Cuối năm, lại lo vấn nạn hàng giả
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là trăn trở của ngành chức năng và là nỗi lo của người dân. Và, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, vấn nạn hàng nhái, hàng giả càng trở nên đáng lo hơn bao giờ hết.
Lâu nay, tình trạng hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến ở nhiều mặt hàng. Từ các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như giày dép, quần áo, túi xách đến các mặt hàng công nghệ như đồng hồ, điện thoại di động; rồi các loại thuốc tân dược, thực phẩm, thực phẩm chức năng… tất tần tật những mặt hàng có thương hiệu tốt đều bị làm nhái, làm giả.
Hàng giả được bày bán từ vỉa hè đến các khu chợ, các cửa hàng kinh doanh, đâu đâu trên thị trường cũng có; dẫu có nhiều cố gắng, nhưng lực lượng cũng khó kiểm soát hết. Càng về cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân tăng cao thì hàng giả, hàng nhái lại càng có cơ hội gia tăng.
|
Đầu tiên phải kể đến, thực tế là hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton... được bày bán tràn lan từ ngoài chợ đến các cửa hàng. Mặc dù là “hàng hiệu”, nhưng giá bán các mặt hàng này lại vô cùng bình dân, chỉ bằng 5 - 10% so với giá hàng chính hãng. Chẳng hạn như một chiếc áo thun thương hiệu Lacoste chính hãng có giá không dưới 2 triệu đồng hay một đôi dày Nike chính hãng có giá tới vài triệu đồng thì tại chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum), người mua chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn là cũng có một sản phẩm mang các nhãn hiệu này...
Không chỉ bày bàn tràn lan trên thị trường, trên các trang mua bán trực tuyến, người tiêu dùng không khó để tìm thấy các sản phẩm thời trang “hàng hiệu” như Chanel, Dior, Lacoste... được giới thiệu, rao bán với mức giá rất rẻ.
Ngoài việc làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các nhãn hàng sản xuất trong nước, thương hiệu nội địa; nhất là tình trạng hàng hoá được làm nhái với tên gọi na ná sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn như bột giặt OMO được nhái thành bột giặt OMON, trà xanh C2 nhái thành trà xanh E2...với bao bì, mẫu mã giống hệt sản phẩm chính hãng nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhiều người vì không để ý đã mua và sử dụng phải những sản phẩm với nhãn hiệu na ná nhau mà vẫn đinh ninh đó là sản phẩm uy tín mà lâu nay mình tin dùng, hoặc là nghĩ rằng các sản phẩm này do cùng một hãng sản xuất...
Càng về cuối năm vấn nạn hàng giả, hàng nhái càng trở nên đáng lo hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính mà nguy hiểm hơn, hàng giả hàng nhái còn đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo lực lượng quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được sản xuất tinh vi hơn, có giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng không dám lên tiếng, vì sợ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, lộ thông tin...
|
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, sở dĩ hàng nhái vẫn tồn tại được là do đánh trúng vào tâm lý ham rẻ lại thích dùng “hàng hiệu” của một bộ phận người tiêu dùng. Nhiều người cho biết, mặc dù họ cũng biết việc mua các sản phẩm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vô tình tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái; nhưng vì phần lớn các sản phẩm hàng thật, chính hãng có giá cả quá cao, không thể mua nổi nên một bộ phận người dẫu biết hàng giả nhưng vẫn mua sử dụng chỉ nhằm để “dợt le” với bạn bè.
Tình trạng hàng giả tồn tại còn là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Trên thực tế, nhiều cơ quan, lực lượng chức năng cùng tập trung vào kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái gây ra sự chồng chéo trong công tác giám sát, quản lý và khiến cho vấn nạn hàng giả hàng nhái mỗi ngày càng có nguy cơ biến tướng nặng nề hơn, tinh vi hơn.
Có thể nói, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ là cuộc chiến lâu dài. Do vậy, để góp phần hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả, nhất là vào dịp cuối năm, song song với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ quyền lợi chính mình bằng cách cảnh giác và tẩy chay các mặt hàng dỏm này, đồng thời tố giác với lực lượng chức năng để họ xử lý những hành vi kinh doanh hàng giả.
Thiên Hương