Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô: Phát huy hiệu quả hoạt động từ chính sách dịch vụ môi trường rừng
Từ tiền dịch vụ môi trường rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, người lao động và phối hợp với các ngành kiểm soát có hiệu quả tài nguyên rừng; đồng thời phát huy hiệu quả chính sách phát triển sâm Ngọc Linh.
Ghi nhận từ rừng giao khoán
Tháng ba, dưới cái nắng hầm hập của “mùa con ong đi lấy mật”, “mùa phát nương làm rẫy”, tôi về làng Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga (Đăk Tô) để tìm hiểu về việc triển khai thực hiện cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Vào chốt quản lý bảo vệ rừng cộng đồng làng Đăk Manh 1, chúng tôi thấy người dân đang trực và theo dõi rừng. A Nui trực chốt bộc bạch: Hàng ngày, cộng đồng thay nhau 2 người trực/chốt bảo vệ rừng. Trực chốt, người trực không chỉ theo dõi người ra vào rừng mà còn theo dõi hoạt động phát dọn nương rẫy. Nếu thấy lửa cháy lan vào rừng, chúng tôi phải điện thoại và báo động cho dân làng cùng nhau dập lửa.
“Mùa khô lo lắm, nếu để xảy ra cháy rừng, cộng đồng sẽ không được nhận tiền quản lý bảo vệ rừng. Nhận trực, mình phải bảo vệ không để kẻ xấu vào rừng khai thác gỗ, kịp thời ngăn chặn khi xảy ra lửa rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng, nước đầu nguồn từ rừng sẽ cạn, dân làng sẽ thiếu nước sinh hoạt. Cộng đồng kiên quyết không để xảy ra cháy rừng đâu” - A Nui thật thà nói lên nhận thức của mình về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng và trách nhiệm của cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.
Qua trao đổi, A Nui còn cho biết, tham gia trực tại chốt ông được nhận 100 nghìn đồng/ngày công trực; tuần tra 150 nghìn đồng/ngày; trực chốt và ngủ tại rừng 200 nghìn đồng/ngày đêm do thôn trưởng phát từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.
|
A Liên - thôn trưởng thôn Đăk Manh 1 thông tin với chúng tôi: Cộng đồng làng Đăk Manh 1 nhận khoán 158,6ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Năm 2018, Công ty tạm ứng cho cộng đồng làng Đăk Manh 1 hai đợt, mỗi đợt trên 31 triệu đồng tiền nhận khoán. Từ số tiền này, cộng đồng phân lịch trực và trả tiền cho người trực theo quy định của cộng đồng.
Không chỉ trực chốt tại cửa rừng, cộng đồng còn tham gia trực chốt với người lao động Công ty ở trong rừng. Bám rừng và tăng cường tuần tra, từ đầu mùa khô đến nay, rừng cộng đồng làng Đăk Manh 1 nhận khoán không để xảy ra cháy rừng và các hành vi vi phạm lâm luật.
Tác động từ chính sách
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Minh - Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Ngọc Tụ (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cho biết: Đội quản lý bảo vệ gần 4.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Thực hiện chủ trương của Công ty, ở các khu rừng giáp với cộng đồng, Đội giao khoán cho các cộng đồng ở xã Đăk Rơ Nga và Ngọc Tụ. Để quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng, ngoài việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, Đội còn phối hợp với cộng đồng thường xuyên cắt cử người trực tại các chốt trong rừng và tuần tra bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm.
Ở các khu vực giáp với nương rẫy dân, Đội phối hợp với cộng đồng làm đường ranh giới rừng và đường ranh cản lửa. Với sự hợp đồng trách nhiệm, tài nguyên rừng được Đội quản lý và giao khoán cho dân ngày càng chặt chẽ hơn trước. Từ đầu mùa khô đến nay, trên lâm phần do Đội quản lý không để xảy ra cháy rừng và mất rừng.
Theo ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty được Nhà nước giao quản lý bảo vệ trên 30.000ha rừng. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Công ty giao khoán trên 9.300ha rừng cho 53 cộng đồng, nhóm hộ ở huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Không tính những năm trước, riêng năm 2018, từ nguồn thu trên 20 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, Công ty chi trả hơn 6 tỷ đồng cho cộng đồng và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Gắn quyền lợi với trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, cộng đồng, hộ nhận khoán và người lao động Công ty đang phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ rừng. Mặc dù rừng được giao rộng và trải dài trên nhiều địa bàn, nhưng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng đến việc bảo vệ rừng tận gốc, Công ty phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng kiểm soát chặt chẽ tài nguyên rừng.
Ngoài việc bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, Công ty còn trồng được hơn 100ha rừng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn và phát triển 18ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Công ty phấn đấu đến năm 2023 phát triển đạt 25-30ha sâm Ngọc Linh giống. Sau năm 2023, Công ty chuyển sang kinh doanh cây sâm Ngọc Linh giống và chế biến sâm phục vụ người tiêu dùng và góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân.
Nắm bắt chủ trương, sử dụng đồng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang tạo ra chuyển biến tích cực trong bảo vệ rừng và phát triển cây dược liệu ở địa phương.
Bài và ảnh: Văn Nhiên