Chuyện kể từ đại ngàn - Bài 4: Hướng tới “ngành sâm tỷ đô”
Ông Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, địa phương đã bảo tồn thành công sâm Ngọc Linh, và đang hướng tới một mục tiêu mới, đó là xây dựng ngành kinh tế sâm phát triển. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của các nhà khoa học.
Sau một thời gian dài bị săn lùng, đào bới vô tội vạ, sâm tự nhiên trên núi Ngọc Linh gần như tuyệt diệt. 108 vùng sâm tự nhiên (theo kết quả điều tra, khảo sát trong các năm 1978-1979) gần như bị xóa sổ. Sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
May thay, từ những năm đầu của thập niên 90, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã tính toán đến việc cứu cây sâm Ngọc Linh khỏi nguy cơ tuyệt chủng, thông qua việc khoanh vùng bảo vệ diện tích sâm ít ỏi còn lại, đồng thời tiến hành đầu tư bảo tồn và phát triển cây sâm.
Đến năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742 ha.
Đặc biệt, tỉnh đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh (với diện tích khoảng 10.000ha); ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai.
|
Về phía Trung ương, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sản phẩm sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh); phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam” đến năm 2030 với những cơ chế, chính sách đặc thù.
Tháng 10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã đổi Giấy chứng nhận công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng đối với Sâm củ Ngọc Linh, mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý lên 9 xã, gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).
Các doanh nghiệp cũng có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào quá trình bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Như Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, trong hơn 25 năm qua đã phát triển thành công vườn cây hàng nghìn hécta từ 1- 25 năm tuổi.
Hay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong nghiên cứu, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, đã phát triển được 39ha sâm Ngọc Linh.
Giai đoạn 2021 - 2025, với sự kêu gọi đầu tư của tỉnh, đã có 31 dự án trồng và chế biến dược liệu, với quy mô gần 13.900ha, tổng vốn đầu tư 8.995 tỷ đồng, trong đó có một số dự án trồng sâm Ngọc Linh.
Theo số liệu mới nhất, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và nhiều doanh nghiệp tham gia ngành sản xuất chế biến sâm Ngọc Linh.
Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh; đến năm 2025 có khoảng 4.500ha sâm Ngọc Linh; đến năm 2030 tăng lên trên 10.000ha sâm Ngọc Linh, đưa Kon Tum thành thủ phủ sâm Ngọc Linh và dược liệu lớn nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Đến nay, có thể khẳng định, Kon Tum đã bảo tồn thành công sâm Ngọc Linh, với vùng sâm rộng hàng nghìn ha, có thể cung cấp hàng triệu cây giống mỗi năm; hàng loạt chính sách đang được triển khai hiệu quả.
|
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức- Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng khẳng định Kon Tum đã thành công trong việc bảo tồn sâm Ngọc Linh.
Là người làm khoa học, từng rất nhiều năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, cũng đã lăn lộn nhiều ở các chốt sâm, tìm hiểu về nhân giống, ươm giống, nên tôi không cần nghe báo cáo, mà chỉ cần nhìn qua vườn ươm sâm giống của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum là biết sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn thành công- Giáo sư Đức cho hay.
Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum xác định phát triển sâm Ngọc Linh để giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS. Trong đó chú trọng hình thành ngành kinh tế sâm hiện đại để tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Nhiệm vụ hiện nay là vừa bảo tồn, vừa nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh lên cao hơn. Muốn vậy, nhất thiết phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu canh tác, thu hoạch, bảo quản đến đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm phục vụ mục đích khác nhau.
Tỉnh đã và đang có hàng loạt chính sách phát triển, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh; thu hút đầu tư; thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, rất cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành; sự tham gia tích cực, trách nhiệm của doanh nghiệp, sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào trồng, chế biến, đa dạng sản phẩm để nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Hoàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng chia sẻ, dù hiện nay, sâm Ngọc Linh gần như đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, nhưng cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học để tăng sản lượng, năng suất cũng như tiến tới sản xuất hàng hóa để nhiều người dân có thể sử dụng. Quá trình ấy cần có sự chung tay của các nhà khoa học.
|
Trao đổi tại buổi giao lưu (18/9), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh rất lớn, hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh có giá trị cao.
Tuy nhiên, rất nhiều việc đòi hỏi chúng ta phải làm nghiêm túc, bài bản. Trong đó, cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu; bảo vệ nguồn gen thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu- Giáo sư Đức nhấn mạnh.
Những vườn sâm đang vươn lá dưới tán rừng già sẽ là nền tảng để chúng ta thực hiện mục tiêu đề ra.
Hồng Lam