Chuyện kể từ đại ngàn - Bài 3: Mối “lương duyên” bền chặt
Câu chuyện bên vườn sâm, cứ kéo dài mãi, dù đã quá trưa, bởi sức hút từ chuyện kể của các nhà khoa học về quá trình nghiên cứu sâm Ngọc Linh. Đó là mối lương duyên bền chặt- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận- nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Kể từ 9 giờ ngày 18/3/1973, khi được nhóm nghiên cứu của dược sĩ Đào Kim Long phát hiện và bước đầu định danh (Panax articulatus Kim Long Đào), đến nay đã 49 năm trôi qua.
Từ một loài thảo dược kỳ bí của núi rừng, sâm Ngọc Linh đã được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước với những đặc tính y dược học có giá trị cao. Năm 2018, sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc- nay là Chủ tịch nước- gọi là Quốc bảo.
Từ bờ vực tuyệt chủng, sâm Ngọc Linh từng bước được bảo tồn, phát triển. Đến nay, chỉ riêng tỉnh Kon Tum đã có một vùng sâm Ngọc Linh rộng hàng ngàn héc ta; có thể ươm giống hàng triệu cây giống mỗi năm.
|
Từ phát hiện đến bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là một chặng đường dài ngót nghét nửa thế kỷ. Trong suốt chặng đường ấy, bên cạnh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh trong việc hoạch định chính sách bảo vệ rừng, khuyến khích giữ gìn và phát triển sâm Ngọc Linh, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, luôn có bóng dáng của các nhà khoa học.
Nói như ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (doanh nghiệp đi đầu về bảo tồn, phát triển vùng sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum), sự hình thành và phát triển của vùng sâm Ngọc Linh từ khi được phát hiện cho đến hôm nay có sự đóng góp vô cùng to lớn của các nhà khoa học.
|
Ngay sau khi phát hiện, dược sĩ Đào Kim Long đã “phác họa” khá cơ bản “diện mạo” của sâm Ngọc Linh. Trong các báo cáo ông viết: Đó là cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 0,6m, lá kép mọc vòng, có cuống dài, gồm 5 lá chét mọc thành hình chân vịt.
Thông thường, sâm Ngọc Linh 3 năm tuổi mới trổ hoa. Cụm hoa mọc giữa vòng lá kép mang rất nhiều hoa nhỏ có 5 cánh, hoa màu trắng hay lục nhạt. Quả mọng, khi chín màu đỏ tươi, đa số có chấm đen ở đỉnh và có 1 hạt. Bộ phận sử dụng chủ yếu là rễ củ, sử dụng tốt nhất là sau 5 năm tuổi.
Năm 1974, dược sĩ Nguyễn Thới Nhâm đã bắt tay nghiên cứu công dụng của cây sâm Ngọc Linh và được công bố trên tập san Herba Polonica số 1/1976 Ba Lan và mau chóng được đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới.
Đến năm 1978, Bộ Y tế đã xây dựng đơn vị nghiên cứu chuyên đề sâm Khu 5; năm 1985 được nâng lên thành Trung tâm sâm Việt Nam, nay đổi thành Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Viện Dược liệu (Bộ Y tế).
Năm 1988, Tiến sĩ Hà Thị Dụng và Giáo sư Grushvisky- một nhà thực vật học nổi tiếng người Nga- xác định đây là một loài nhân sâm mới của thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, mà mọi người thường gọi là sâm Việt Nam.
|
Không chỉ nghiên cứu các đặc tính, tính chất, công dụng của sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học còn có các công trình nghiên cứu về sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh. Qua đó, đã phát hiện được 11 loại sâu, động vật hại và 3 bệnh nấm gây hại.
Trong 11 loại sâu, động vật hại sâm Ngọc Linh thì phổ biến là châu chấu, sát sành, dế mèn nâu lớn, bọ rùa 28 chấm, bọ hung, sâu cuốn lá, sâu xám và sên trần. Trong 3 bệnh nấm gây hại, thì phổ biến và nguy hiểm là bệnh chết rạp cây con và bệnh gỉ sắt.
Quá trình nghiên cứu cũng đã đưa ra kết luận, đây là một loại nhân sâm vô cùng quý hiếm, có nhiều tính năng y dược thuộc loại “tuyệt hảo”, như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng của cơ thể; chống lão hóa, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào, tăng các tế bào mới; kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng và chống lại một số bệnh ung thư.
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa.
Theo các tài liệu khoa học, từ năm 1973 đến nay, đã có nhiều cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về sâm Ngọc Linh. Và đã có nhiều nhà khoa học bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ từ các công trình nghiên cứu về loài cây quý hiếm này.
Và trong gần nửa thế kỷ, giới khoa học thống nhất rằng, sâm Ngọc Linh quý hiếm không kém sâm Trường Bạch của Triều Tiên, sâm Tây Dương của Mỹ, sâm Trung Quốc… Trong sâm Ngọc Linh tới 52 hợp chất saponin, nhiều hơn bất cứ loại sâm nào trên thế giới.
Nhưng ngày 18/9, trong câu chuyện bên vườn sâm ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận- nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, đã cung cấp một thông tin gây bất ngờ. Hóa ra, sâm Ngọc Linh không chỉ có 52 hợp chất saponin như vẫn nghĩ.
Có tới 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận dùng của cây sâm, như thân, rễ, củ, lá, chứ không phải 52 hợp chất như từng công bố trước đó. Đó là chưa tính đến các thành phần trong tinh dầu, nếu cộng thêm thì có thể lên tới 200 hợp chất- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận nói.
Cũng theo Giáo sư Luận, khi nghiên cứu sâm Ngọc Linh, có những điều làm ông bất ngờ. “Quá trình nghiên cứu có kết quả ngoài tưởng tượng, nhất là việc phát hiện 24 hợp chất saponin có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới”- ông chia sẻ.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (giảng viên cao cấp Trường Đại học Tôn Đức Thắng) bày tỏ rằng, các nhà khoa học đã thể hiện vai trò quan trọng qua các đề tài nghiên cứu sâm Ngọc Linh về nuôi trồng, nhân giống, phát triển, hóa học, dược lý lâm sàng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về loài sâm quý này, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong xây dựng, hoàn thiện các công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sâm Ngọc Linh, phát triển thành hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. (còn nữa)
Hồng Lam