Ngân vang tiếng cồng chiêng
Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 (Tuần Văn hóa - Du lịch) đã tiếp lửa cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cồng chiêng trong cộng đồng các DTTS.
Thời gian qua, bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại nhiều thôn, làng đối mặt với không ít thách thức khi thiếu hụt người kế thừa và sự xâm nhập của lối sống hiện đại khiến hoạt động sinh hoạt cồng chiêng trở nên mờ nhạt. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi lo lắng rằng các giá trị truyền thống sẽ dần bị quên lãng khi thế hệ trẻ không còn mặn mà với những di sản văn hóa của cha ông.
Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động đã được địa phương tổ chức nhằm góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Tiêu biểu như vừa qua, với sự thành công của Tuần Văn hóa- Du lịch đã tạo nên một làn gió mới, thổi bùng lên tình yêu với cồng chiêng trên khắp địa bàn tỉnh.
|
Tại huyện Đăk Hà, những ngày sau sự kiện, tiếng cồng chiêng vẫn rộn ràng vang lên ở nhà rông thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar mỗi dịp cuối tuần. Từ trẻ nhỏ đến thanh niên và các nghệ nhân lớn tuổi, đều tự nguyện tập trung để luyện tập, sinh hoạt. Nghệ nhân Y Khar, người đã gắn bó nhiều năm với việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, xúc động chia sẻ: Tuần Văn hóa - Du lịch không chỉ mang lại niềm vui mà còn đánh thức niềm tự hào trong cộng đồng. Giờ đây, không chỉ có chúng tôi- những người lớn tuổi, mà cả thế hệ trẻ cũng hào hứng học hỏi và giữ gìn văn hóa truyền thống. Điều này mang lại hy vọng rất lớn cho tương lai.
Không chỉ riêng Kon Kơ Lốk, tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) các buổi tập luyện cồng chiềng đã thu hút cả phụ nữ và học sinh tham gia. Ông A Vinh, một thành viên tích cực của đội cồng chiêng, phấn khởi kể lại: Trước đây, chúng tôi phải vận động mãi mới có người tham gia. Nhưng giờ đây, ai nấy đều tự nguyện đến tập. Sự kiện vừa qua đã giúp bà con nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của cồng chiêng và xoang trong đời sống văn hóa.
Không chỉ dừng lại ở việc khơi dậy phong trào, Tuần Văn hóa- Du lịch còn trở thành cú hích để chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn văn hóa tại cơ sở. Nhiều địa phương đã tổ chức thêm các lớp học truyền dạy cồng chiêng tại trường học, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận với di sản quý giá của dân tộc.
Sự kiện Tuần Văn hóa- Du lịch vừa qua không chỉ mang lại niềm tự hào của cộng đồng các DTTS mà còn mở ra cơ hội để địa phương phát triển du lịch văn hóa. Với việc thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, Tuần Văn hóa - Du lịch đã tạo một bước đệm vững chắc để kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã xây dựng các kế hoạch tổ chức những chương trình tương tự tại cơ sở, nhằm giữ gìn và quảng bá văn hóa Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế.
|
Hầu hết các địa phương đều xác định bảo tồn cồng chiêng không chỉ dừng lại ở các hoạt động tổ chức sự kiện mà cần có chiến lược dài hơi để di sản này sống mãi với thời gian. Các địa phương đã dành sự đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng đội ngũ kế thừa, thông qua các lớp học về kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng đặt mục tiêu xây dựng cồng chiêng thành một sản phẩm du lịch đặc trưng. Những chương trình biểu diễn cồng chiêng, tái hiện nghi lễ truyền thống được tổ chức định kỳ để thu hút du khách. Không chỉ dừng lại ở việc trình diễn, các tour du lịch trải nghiệm sẽ cho phép du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động, từ việc học đánh cồng chiêng, múa xoang đến tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa của từng nhạc cụ, điệu múa.
Có thể nhận thấy, để phong trào cồng chiêng thực sự lan tỏa và bền vững, sự chung tay của cộng đồng là yếu tố then chốt. Không chỉ có sự tham gia của các nghệ nhân và chính quyền, mỗi người con đồng bào DTTS cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Những buổi sinh hoạt cồng chiêng không chỉ là nơi bảo tồn văn hóa mà còn là nhịp cầu kết nối các thế hệ, vun đắp tình đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.
Dưới ánh trăng sáng, giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, tiếng cồng chiêng vang vọng, len lỏi qua từng mái nhà rông, như một lời nhắc nhở rằng văn hóa cồng chiêng sẽ mãi sống động và trường tồn trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Tất Thành