Chuyện giữ chuẩn nông thôn mới
Đạt chuẩn nông thôn mới thật sự là niềm tự hào lớn lao, bởi đây là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi. Nhưng sau đó là hành trình mới: giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt, nhất là các tiêu chí dễ biến động. Thực tế cho thấy, đây là thách thức không nhỏ đối với bất cứ xã nông thôn mới nào…
Đạt chuẩn đã khó...
Băng rôn màu đỏ mang dòng chữ màu vàng tươi "Cán bộ và nhân dân xã Hòa Bình quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới" được treo trước cổng trụ sở UBND xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) nói lên niềm tự hào của người dân trong xã.
Cách đây 2 năm, ngày 12/1/2016, sau 5 năm nỗ lực, Hòa Bình là xã thứ 2 của thành phố Kon Tum được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ: Đạt chuẩn nông thôn mới là niềm tự hào lớn lao, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình. Bên cạnh đó, nó cho thấy chúng tôi đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, kể cả nguồn từ trên rót xuống cũng như nguồn huy động, xã hội hóa.
|
Ví như làm đường giao thông là phải sạch đẹp, làm kênh mương thủy lợi là phải tưới tiêu được, làm điện chiếu sáng là phải sáng con đường vào ban đêm... Mà như vậy là phải có kinh phí, nếu chỉ dựa vào ngân sách cấp thì không làm nổi đâu, cho nên, dù mỗi xã đều có cách làm riêng, phù hợp với tình hình thực tế, nhưng tựu trung lại đều phải dựa vào dân, huy động được sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân- anh nói.
Lãnh đạo xã Hòa Bình hiểu rất rõ, ngay cả chuyện huy động sức dân cũng không phải là một bài toán dễ dàng. Tiền do dân đóng góp cần phải được sử dụng đúng và đủ, minh bạch và rõ ràng.
Không nghi ngờ gì về việc xã Hòa Bình đã huy động được sức mạnh tổng lực, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân, để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ. Bằng chứng là những nhà văn hóa, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, sáng ánh điện về đêm…được hình thành chủ yếu dựa vào sức dân...
Giữ vững và nâng cao còn khó hơn
Tại lễ đón Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình đã phát biểu, việc bước lên "bục danh dự" ấy chỉ là kết quả ban đầu, điều quan trọng là hành trình duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới phía trước.
Và thực tế đã chứng minh, đây là thách thức không nhỏ, không riêng với Hòa Bình mà với bất cứ xã nông thôn mới nào!
Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Đăk Mar- Phạm Văn Trụ. Đây cũng là xã thứ 2 của huyện Đăk Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 5/2015 sau xã Hà Mòn. Anh cho rằng đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn, chưa nói tới nâng cao. Chính anh và cộng sự từng lo ngại rằng, giống như người thi chạy, khi đích còn ở phía trước thì luôn nỗ lực hết mình, phấn đấu để cán đích, nhưng đến đích rồi sẽ đuối sức, sẽ nằm vật ra đường, đạt chuẩn nông thôn mới rồi dễ khiến người ta sinh ra tâm lý thỏa mãn, khi ấy lại tụt lùi.
Tuy kết thúc năm 2017, xã Đăk Mar có 8 tiêu chí được giữ vững, 11 tiêu chí được nâng cao, trong đó có những tiêu chí quan trọng như thu nhập, nhà ở, giảm nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa..., nhưng theo lãnh đạo xã, đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu hàng ngày, nếu không muốn bị giảm tiêu chí.
Nhưng không phải xã nông thôn mới nào cũng giữ vững được toàn bộ các tiêu chí đã đạt được, chưa nói đến nâng cao, dù do nhiều nguyên nhân. Theo kết quả kiểm tra, rà soát đầu năm 2018 của UBND thành phố Kon Tum, đã có 2/3 xã nông thôn mới bị giảm tiêu chí là Hòa Bình và Ia Chim.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho rằng, trong 19 tiêu chí, thì quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, chợ nông thôn, điện được xem là những tiêu chí "tĩnh", khi hoàn thành sẽ mang tính ổn định và phát triển bền vững. Tuy nhiên, an ninh trật tự xã hội, môi trường, thu nhập, cơ cấu lao động, văn hóa, y tế được xem là tiêu chí "động", rất dễ… rớt chuẩn.
Theo ông, khi đạt chuẩn nông thôn mới, vẫn còn đó những tiêu chí phải nợ, hoặc hoàn thành "ép", bởi chất lượng đạt ở mức tối thiểu và "hụt hơi" sau đó chẳng hạn như tiêu chí hệ thống chính trị, tiêu chí trường học hay tiêu chí y tế.
Bên cạnh đó, cũng có một phần khách quan là tháng 5/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND quy định về mức đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, trong đó có nâng cao tỷ lệ đối với một số tiêu chí, nên xã bị rớt tiêu chí. Hiện tại, chúng tôi đã có mục tiêu, giải pháp cho từng tiêu chí cụ thể, tin rằng, trong năm 2018 này sẽ củng cố vững chắc các tiêu chí, một số tiêu chí sẽ được nâng cao- Ông Phạm Phước bộc bạch.
Thành Hưng