Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Đưa sản phẩm thanh long ruột đỏ Kon Rẫy vươn tầm
Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ đã và đang phát triển mạnh mẽ trên vùng đất nghèo huyện Kon Rẫy. Nhiều mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân. Để cây thanh long ruột đỏ khẳng định được giá trị kinh tế, là cây kinh tế chủ lực, huyện Kon Rẫy xác định phải đưa cây thanh long ruột đỏ vươn tầm.
Cây thoát nghèo
Chỉ mới được đưa vào trồng vài năm trở lại đây, nhưng cây thanh long ruột đỏ ở huyện Kon Rẫy đã khẳng định được giá trị về mặt kinh tế. Nhiều gia đình đã hình thành được mô hình vườn thanh long kết hợp phát triển du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Lê Xuân Phục (thôn 10, làng Kon Xkoi, xã Đăk Ruồng) là một trong số đó. Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ từ năm 2011 với hơn 500 trụ đến nay đã hơn 7 năm, hiệu quả của loại cây này đã được gia đình ông kiểm chứng.
Ông Phục cho biết: Cây thanh long ruột đỏ này có giá trị kinh tế rất cao. Nếu chăm bón đúng khoa học kỹ thuật, đầu tư đúng mức thì mỗi trụ thanh long ruột đỏ sẽ cho thu nhập không dưới 1 triệu đồng/năm.
|
“Hiệu quả kinh tế là rất tốt, thời gian năm 2013- 2014, giá thanh long ruột đỏ này nằm ở mức 45 ngàn/kg; 2016- 2017 giá từ 25- 30 ngàn/kg. Còn như thời điểm hiện tại cũng có giá bán từ 15- 20 ngàn/kg, với vườn cây của tôi không được đầu tư, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích ra hoa bởi tôi lựa chọn hướng phát triển trái cây sạch nên mỗi năm cũng có thu nhập từ 70- 100 triệu đồng. Còn nếu tôi đầu tư theo cách trồng như hiện nay với đầy đủ các phương pháp khoa học, ép quả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì chắc chắn sẽ cho thu nhập vào khoảng 500 triệu/năm” - ông Phục cho biết thêm.
Đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ rất dễ trồng và chăm sóc, thời gian cho trái ngắn hơn so với cây tiêu, cà phê. Nếu lựa chọn được giống chuẩn, tốt thì quá trình trồng và chăm sóc rất dễ dàng.
“So với cây tiêu, cà phê thì loại cây này rất dễ sống và chăm sóc. Phù hợp với những gia đình nông dân, ít công chăm sóc. Thời gian cho thu hoạch cũng ngắn hơn nên vấn đề xoay vòng vốn đầu tư cũng thuận lợi. Sau thời gian, tôi có thể khẳng định được rằng cây này thực sự là cây thoát nghèo hiệu quả”- ông Phục cho biết.
Trước giá trị kinh tế cao của loại cây thanh long ruột đỏ mang lại, huyện Kon Rẫy đã xếp loại cây này là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện.
Ông Đinh Hồng Thắng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: Trong những năm qua, trên địa bản huyện Kon Rẫy người dân đã triển khai nhiều mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, từ năm 2010 đến nay diện tích phát triển được khoảng 5ha. Qua đánh giá, loại cây này đem lại giá trị kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện. Vì vậy, định hướng và giải pháp của huyện là sớm phát triển cây thanh long ruột đỏ trở thành một trong những sản phẩm chủ lực.
Khó khăn đầu ra sản phẩm
Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người trồng thanh long đang gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ Kon Rẫy. Mấu chốt chính là việc làm sao đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định.
Theo ông Lê Xuân Phục, hiện nay sản phẩm thanh long ruột đỏ đang được tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa có một doanh nghiệp hay tư thương nào bao tiêu sản phẩm cho người trồng. Vì vậy, giá thành bấp bênh và tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa” khiến nhiều người trồng thanh long ruột đỏ chưa mạnh dạn dốc vốn đầu tư.
“Hiện nay gia đình tôi chủ yếu tự mang ra chợ bán, số được các tiểu thương mua mang về thành phố bán nhưng cũng rất ít. Đối với sản phẩm thanh long ruột đỏ này cần phải có một chính sách bao tiêu sản phẩm cho người dân. Chỉ cần sản phẩm bán được ổn định, làm ra đến đâu được thu mua đến đó thì tôi chắc chắn rằng, nhiều người sẽ cùng tham gia xây dựng mô hình” - ông Phục khẳng định.
Trước thực tế đó, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây thanh long ruột đỏ, huyện Kon Rẫy đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức chuyên sản xuất, chế biến quả thanh long. Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 1 cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả. Xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng đến thu hoạch, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích thành lập hợp tác xã liên kết các hộ nông dân trồng thanh long lại với nhau, thu hút các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm từ quả thanh long ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã. Huyện sẽ trực tiếp làm cầu nối liên kết các doanh nghiệp với các hộ dân triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Đinh Hồng Thắng cho biết: Để đưa thương hiệu thanh long ruột đỏ Kon Rẫy vươn xa, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập hợp tác xã liên kết các hộ nông dân trồng thanh long với nhau, thu hút các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm từ quả thanh long ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ quả thanh long ruột đỏ.
"Đối với nguồn vốn cho người dân, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng để tạo điều kiện cho hợp tác xã, trang trại, hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư vào trồng thanh long ruột đỏ" - Ông Đinh Hồng Thắng cho biết thêm.
Hy vọng, với những kế hoạch dài hạn đã đặt ra, huyện Kon Rẫy sẽ xây dựng thành công sản phẩm thanh long ruột đỏ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng các mô hình trang trại xóa đói giảm nghèo rộng rãi trong nhân dân.
Quang Thái