Chung tay bảo tồn voọc chà vá chân xám
Thời gian qua, các cấp chính quyền, các đơn vị, tổ chức liên quan cùng người dân ở huyện Kon Plông chung tay, nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn voọc chà vá chân xám (loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và cũng là 1 trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất của thế giới).
|
Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng được xếp hạng “Cực kỳ nguy cấp” trong “Sách đỏ Thế giới” - IUCN (năm 2000) và “Sách đỏ Việt Nam” (năm 2007), đồng thời, được ưu tiên bảo tồn theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) triển khai từ năm 2013, những khu vực rừng nguyên sinh ở huyện Kon Plông là nơi sinh sống của một quần thể voọc chà vá chân xám lớn với số lượng khoảng 500 cá thể. Đây là quần thể voọc chà vá chân xám lớn thứ 2, sau quần thể chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) với khoảng 850 cá thể.
Giống như voọc chà vá chân đỏ hay voọc chà vá chân đen, voọc chà vá chân xám có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn loài linh trưởng nói riêng và động vật hoang dã nói chung.
Dù được ưu tiên bảo vệ ở mức độ cao nhất, nhưng trên thực tế, quần thể voọc chà vá chân xám ở huyện Kon Plông vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trực tiếp và đáng lo ngại như, nạn săn bắt, phá rừng, sinh cảnh (môi trường sống) bị phân mảnh… Chính vì vậy, công tác bảo tồn nguyên vẹn quần thể chà vá chân xám sống trong hệ sinh thái rừng tự nhiên luôn được các cấp chính quyền, đơn vị, tổ chức và người dân trên địa bàn huyện Kon Plông xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Ông Phan Quốc Vũ - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham cho biết, triển khai công tác bảo tồn voọc chà vá chân xám cũng như các động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác trong lâm phần được giao quản lý, thời gian qua, cán bộ, lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý tăng cường phối hợp với các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra, gỡ bẫy thú rừng; tổ chức tuyên truyền qua nhiều hình thức; triển khai ký cam kết không tiêu thụ, mua bán động vật hoang dã với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện theo tinh thần “nghiêm chỉnh thực hiện các nội dung theo cam kết” và “không có người mua, tiêu thụ thì sẽ không có người săn bắt động vật rừng”.
|
Nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, trong đó có voọc chà vá chân xám, tháng 3 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông tổ chức Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền chủ đề “Chung tay bảo vệ động vật hoang dã trên quê hương em”. Cuộc thi đã diễn ra sôi nổi, thu hút 114 tác phẩm dự thi của các em học sinh trên địa bàn huyện. Giải nhất của cuộc thi là tác phẩm “Chung tay bảo vệ voọc chà vá chân xám” của em Trần Cao Phương Vy và em Hoàng Lê A Na (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Măng Đen).
Cuộc thi được đánh giá không chỉ là sân chơi bổ ích cho các em học sinh, mà còn góp phần cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và động vật hoang dã ở cộng đồng nơi các em sinh sống.
Theo kết quả của 2 công trình nghiên cứu về điều tra cơ bản kinh tế-xã hội, nhận thức-thái độ- hành vi, đồng thuận đối với bảo vệ rừng, bảo tồn voọc chà vá chân xám và phát triển sinh kế hộ tại 6 xã trọng điểm trên địa bàn huyện Kon Plông, dù thu nhập thấp, sinh kế vẫn phụ thuộc vào rừng, nhưng khi được tham vấn về việc đề xuất thành lập một khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại khu vực, hầu hết các hộ dân thuộc các cộng đồng sống gần rừng đều đồng thuận, thống nhất.
Đại diện quản lý dự án của tổ chức FFI tại Kon Tum cho biết, bên cạnh hoạt động tìm hiểu, hỗ trợ việc sử dụng đất, cải thiện thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho người dân, tổ chức FFI đã thành lập mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã, tập huấn nâng cao năng lực giám sát đa dạng sinh học ứng dụng công nghệ cho lực lượng bảo vệ rừng của địa phương, triển khai các hoạt động bảo tồn ở một số thôn, xã trọng điểm quanh vùng lõi rừng của huyện Kon Plông và bảo vệ các khu vực rừng tự nhiên tiếp nối, giáp ranh với núi Ngọc Linh (ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei) và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để mở rộng vùng sinh cảnh cho voọc chà vá chân xám…
Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung tổ chức thực hiện việc bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám được ghi nhận và phát hiện tại huyện Kon Plông. Với mục tiêu cụ thể này, cùng những kinh nghiệm thực tiễn thông qua các chương trình, kế hoạch đã triển khai thực hiện, tin tưởng rằng, quần thể voọc chà vá chân xám tại huyện Kon Plông sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đức Thành