Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng
Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phối hợp với chính quyền địa phương giao rừng cho dân, lực lượng kiểm lâm đang góp phần hồi sinh rừng.
Triển khai các biện pháp bảo vệ rừng
Thực hiện chủ trương của tỉnh về chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phối hợp với chính quyền phục hồi rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Nam-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong công tác tuyên truyền, Chi cục kịp thời triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền trực tiếp về công tác quản lý bảo vệ rừng ở các thôn, làng. Đồng thời, Chi cục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục bảo vệ rừng trên hệ thống phát thanh, truyền hình tỉnh, báo Kon Tum và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử Chi cục Kiểm lâm.
Trong công tác quản lý, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các hạt kiểm lâm ở các huyện, thành phố, đội kiểm lâm cơ động xác định các “điểm nóng” thường xảy ra vi phạm lâm luật và đẩy mạnh tổ chức tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng”; duy trì lực lượng hoạt động tại các chốt bảo vệ rừng và tăng cường lực lượng tại các “điểm nóng”. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức trên 350 cuộc tuần tra, truy quét lâm tặc tại các “điểm nóng”. Theo đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành dập tắt 26 “điểm nóng” và hạn chế đáng kể tình hình vi phạm lâm luật ở nhiều nơi.
Trao đổi quanh việc xử lý các “điểm nóng”, ông Huỳnh Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi khẳng định: Thông qua việc tăng cường tuần tra, truy quét, nhiều “điểm nóng” trên địa bàn huyện được dập tắt. Từ 7 “điểm nóng” vi phạm lâm luật, đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn 1 điểm nằm ở vùng rừng xã Đăk Ang (Ngọc Hồi), giáp ranh với huyện Đăk Glei và Đăk Tô. Ở “điểm nóng” này, đang được Hạt Kiểm lâm huyện bố trí lực lượng tuần tra, tình hình vi phạm lâm luật hạn chế hơn trước.
Ở thành phố Kon Tum, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc tuần tra, ngăn chặn các đối tượng khai thác gỗ trái phép từ các huyện giáp ranh thả gỗ trôi theo dòng sông Đăk Bla được ngăn chặn. Bà Y Thị Thu Hằng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố xác quyết: “Điểm nóng” vận chuyển gỗ khai thác từ các huyện bạn qua xã Đăk Cấm được Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp với các Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và Đội Kiểm lâm cơ động số 1 thường xuyên trao đổi thông tin và chủ động tuần tra nên hạn chế việc vận chuyển lâm sản trái phép.
Góp phần phát triển rừng
Ở vùng rừng tái sinh nằm trên các dãy đồi gần khu vực Sao Mai trước đây do UBND xã Hoà Bình (thành phố Kon Tum) quản lý, nay xã giao về cho cộng đồng thôn 2 quản lý đang phát triển tốt. “Ở khu vực này, mới ngày nào đất đá lởm chởm, cây rừng chủ yếu là những cây bụi, thì nay đang trở lại màu xanh thẳm, cây rừng cao vượt quá đầu người” - anh Nguyễn Văn Thám, kiểm lâm địa bàn xã Hoà Bình chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Quý - Thôn trưởng thôn 2 xã Hòa Bình, Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng khẳng định: Kể từ ngày được Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tỉnh giao khoán (gọi tắt là Dự án KfW10), cộng đồng thôn 2 lập 4 tổ thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Cây rừng hồi sinh nhanh chóng. Vùng rừng này đang trở thành “lá phổi xanh” góp phần điều hoà khí hậu cho thành phố và khôi phục lại mạch nước ngầm cho người dân địa phương.
|
Không chỉ giữ rừng, người dân còn được Dự án hỗ trợ cây keo lai giâm hom trồng trên đất lâm nghiệp. Tuy mới được trồng hơn 1 năm nhưng cây keo cao quá đầu người.
“Dự án đang phối hợp với chính quyền địa phương xúc tiến các hoạt động giao đất lâm nghiệp (bìa đỏ) lâu dài cho dân trồng rừng sản xuất. Sau thành công bước đầu, năm nay, gia đình tôi đăng ký trồng thêm 2 ha keo trên đất lâm nghiệp. Đất này trước đây trồng mì bạc màu, nay chỉ có trồng cây keo mới phát triển và phục hồi lại đất”- ông Lê Văn Khuân- Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng khẳng định.
Phấn chấn trước thành quả bước đầu bước trong việc giao rừng cho cộng đồng và giao đất lâm nghiệp cho người dân trồng lại rừng, ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hoà Bình hồ hởi: Sau khi giao rừng cho người dân phục hồi có hiệu quả 237,79 ha rừng, xã Hòa Bình đang phối hợp với Dự án KfW10 giao trên 100 ha đất lâm nghiệp cho dân trồng rừng. Với sự hỗ trợ của Dự án và sự cộng đồng trách nhiệm của người dân, rừng ở xã Hoà Bình đang hồi sinh.
Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phối hợp với chính quyền địa phương khoanh nuôi phục hồi rừng, giao đất lâm nghiệp cho người dân trồng rừng, lực lượng kiểm lâm góp phần trả lại màu xanh cho nhiều khu rừng.
Văn Nhiên