Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng
Quản lý bảo vệ và phát triển rừng, lâu nay luôn là vấn đề được các cấp uỷ đảng, chính quyền và dư luận quan tâm. Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và kiên quyết với các đối tượng xâm hại rừng là để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chỉ đạo các ban chỉ đạo các huyện, thành phố, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và các đơn vị có liên quan chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng; đồng thời, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong công tác củng cố tổ chức, các ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng các cấp chỉ đạo các tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng, các chủ rừng, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng; tiến hành kỷ luật những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Chi cục Kiểm lâm- bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức 5 đợt kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đối với tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng, các chủ rừng, các đơn vị được thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp.
|
Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chủ động phối hợp với Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh... mở chuyên mục quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm kịp thời tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách trong công tác quản lý bảo vệ rừng; biểu dương những tổ chức, cá nhân có những thành tích trong công tác bảo vệ rừng; đấu tranh với các hành vi xâm hại rừng...
Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ, công an... tiếp tục được tăng cường. Thông qua công tác tuần tra, truy quét ở các “điểm nóng” về các hành vi vi phạm lâm luật, các lực lượng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lâm luật; dập tắt được nhiều “điểm nóng”, góp phần bảo vệ và hạn chế tình trạng xâm hại rừng.
Bên cạnh đó, các chủ rừng chủ động phối hợp với các cấp chính quyền và cộng đồng nhận khoán triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ xâm hại rừng.
Bằng việc chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 445 vụ vi phạm với 2.404,152 m3 gỗ quy tròn các loại. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm giảm 90 vụ (16,82 %); khối lượng vi phạm giảm 193,829 m3 gỗ quy tròn các loại (7,46%). Trong các hành vi vi phạm lâm luật, hành vi phổ biến nhất là mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước.
Tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố, nhưng tập trung nhiều là ở huyện Kon Plông (106 vụ, chiếm 23,82% tổng số vụ vi phạm toàn tỉnh), huyện Ia H'Drai (87 vụ, chiếm 19,55% tổng số vụ vi phạm toàn tỉnh), huyện Ngọc Hồi (78 vụ, chiếm 17,53% tổng số vụ vi phạm toàn tỉnh)...
Trong số vụ được phát hiện, căn cứ trên hành vi và mức độ vi phạm, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng khởi tố hình sự 21 vụ; tổng số tiền phải thu theo các quyết định xử phạt trên 5 tỷ đồng và tiền bán lâm sản tịch thu gần 4 tỷ đồng. Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng các cấp, các cơ quan chức năng đã cương quyết xử lý nghiêm khắc đối với mọi hành vi vi phạm lâm luật.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng, dự báo cháy rừng và mọi diễn biến về tình hình phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được theo dõi, cập nhật và xử lý kịp thời. Trong năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh không để xảy ra cháy gây thiệt hại rừng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, nhất là trên lâm phần do UBND xã và các công ty lâm nghiệp quản lý. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng gỗ của xã hội ngày càng tăng; năng lực quản lý của chính quyền cấp xã, chủ rừng ở một số nơi còn hạn chế; một số kiểm lâm địa bàn chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng; đời sống một bộ phận nhân dân ở gần rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, sống dựa dẫm vào rừng...
Những tồn tại này cần được quan tâm tháo gỡ và xử lý cương quyết hơn để trong thời gian đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh hiệu quả hơn.
Đào Nguyên