Chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh triển khai nhiều công điện, văn bản chỉ đạo chủ động phòng chống để ngăn ngừa bệnh này lây nhiễm sang đàn lợn trong nước, trong tỉnh nhằm bảo đảm việc nuôi lợn phát triển bền vững...
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), kể từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lợn buộc phải tiêu huỷ là trên 500.000 con.
Sự tái xuất dịch này lan sang tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc đầu tháng 8/2018 với số lợn bị bệnh 47 con, bị chết 47 con trong tổng đàn 19.373 con. Ngay sau đó, toàn bộ tổng đàn có nguy cơ bị lây nhiễm buộc phải tiêu huỷ (không có con nào được phép giết mổ để tiêu thụ).
|
Cũng theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc, tính từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 10/9/2018, Trung Quốc có 14 ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 6 tỉnh (An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với hơn 38.000 con lợn buộc phải tiêu huỷ. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần biên giới Việt Nam).
Trước tình hình trên, ngày 12/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Theo công điện này của Thủ tướng, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể đưa vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam mới đây, ông Ken Inui-đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc chỉ rõ: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ năm 1921 tại Kenya. Vào năm 1957, bệnh này lây sang Châu Âu và sau đó sang các nước châu Mỹ. Khi bị xâm nhiễm, Tây Ban Nha phải mất tới 35 năm để thanh toán bệnh này. Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nghi nhiễm bệnh. Vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi có thể gây chết 100% lợn nhiễm bệnh, hiện nay chúng ta vẫn chưa có vacine phòng bệnh.
“Nếu 1 con lợn bị nhiễm bệnh, cần tiêu hủy cả đàn và thực hiện biện pháp giám sát, tiêu độc, khử trùng cả các vùng xung quanh”- ông Ken Inui lưu ý.
Trước yêu cầu đặt ra và ý thức được nguy cơ lây nhiễm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngày 12/9/2018, UBND tỉnh có công văn 2569/UBND-NNTN về việc triển khai công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh khác trên động vật bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững là nhiệm vụ, là yêu cầu đặt ra hiện nay ở các địa phương.
Văn Nhiên