Cao su liên kết, trồng 12 năm chưa được khai thác
Năm 2008, có 28 hộ dân thôn Kon Đrei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) liên kết với Nông trường Cao su Thanh Trung (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) trồng 34 ha cao su. Tuy vậy, đến nay, toàn bộ diện tích vườn cây vẫn chưa được khai thác. Bà con đã kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương cũng quan tâm đặt vấn đề, song đến nay, thực tế này vẫn chưa được giải quyết.
Theo thỏa thuận, người dân góp đất, nông trường đầu tư 100% vốn để trồng và chăm sóc vườn cây thời kỳ kiến thiết cơ bản. Khi đưa vào khai thác, người dân được hưởng 49,03% giá trị sản phẩm. Bình thường, cây cao su trồng năm thứ 7, thứ 8 đã được đưa vào khai thác; song thực tế, đến nay, 34 ha vườn cây liên kết tại thôn Kon Đrei bước sang năm thứ 12 vẫn chưa được Nông trường Cao su Thanh Trung mở miệng.
Việc chậm trễ khai thác cao su liên kết ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của bà con, gây bức xúc đối với các hộ dân liên kết. Theo thôn trưởng A Tris, từ năm 2017 đến nay, bà con liên tục kiến nghị Nông trường Cao su Thanh Trung và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum khai thác diện tích cao su liên kết đã “quá tuổi”, song chưa được chấp thuận. Đáng chú ý là vùng đồi trồng cao su liên kết xa khu vực dân cư của thôn, đường đi rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa; nếu không cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội vùng, không dễ “mở lối” cho việc khai thác, vận chuyển mủ cao su.
|
Trước thực tế này và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngày 28/2/2020, UBND xã Đăk Blà đã tổ chức cuộc làm việc giữa lãnh đạo xã, thôn với Nông trường Cao su Thanh Trung, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, trên cơ sở cùng đi thực địa, khảo sát tình hình vườn cây liên kết. Nhận định chung, một số diện tích đã đảm bảo cạo mủ, thu hoạch. Tuy vậy, nông trường chưa đưa vào khai thác, với những lý do khách quan và chủ quan. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho hay: Theo ý kiến của Giám đốc Nông trường Cao su Thanh Trung, trong bối cảnh giá cao su thấp như hiện nay, đơn vị không thể đầu tư làm đường vào khu vực vườn cao su liên kết để tạo thuận lợi cho việc khai thác và vận chuyển mủ cao su cho bà con. Việc xây dựng nhà thu gom mủ cao su tại khu vực trồng cao su tập trung cũng không thể thực hiện được. Nông trường đề xuất biện pháp xử lý là bà con cạo mủ, tự vận chuyển ra khu vực trung tâm thôn để nông trường thu mua. Mặt khác, đơn vị cũng gợi ý, nếu bà con liên kết trồng cao su có nhu cầu về việc làm thì có thể đăng ký với công ty, để xem xét nhận hợp đồng cạo mủ tại vườn cây ở một số khu vực khác trên địa bàn xã.
Nội dung này đã được các hộ liên kết đưa ra bàn bạc công khai, tuy vậy, “bà con không đồng ý cách xử lý mà Nông trường đưa ra” - bà Y Hồng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn xác nhận. Có thể nhận thấy, gần 4 tháng kể từ khi diễn ra cuộc làm việc giữa UBND xã Đăk Blà và các bên liên quan, bức xúc của bà con thôn Kon Đrei liên kết trồng cao su vẫn chưa có câu trả lời chính thức, phù hợp và xác đáng.
“Nguyện vọng của các hộ là phải nhanh chóng đưa vào cạo mủ diện tích cao su liên kết. Công ty không làm được đường vào khu sản xuất, thì làm sao đây? Hay là giao lại diện tích cho bà con tự khai thác, sử dụng? Hay là Công ty xử lý để trả đất cho bà con canh tác. Tấc đất, tấc vàng mà, để càng lâu, bà con càng chịu nhiều ảnh hưởng” - Thôn trưởng A Tris trăn trở.
Thực tế đặt ra yêu cầu chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có sự bàn bạc, thống nhất biện pháp cụ thể, phù hợp để giải quyết dứt điểm tồn tại khiến diện tích cao su liên kết trồng 12 năm chưa được mở miệng cạo và khai thác, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đó cũng là động thái cần thiết, thể hiện tính đúng đắn chủ trương giảm nghèo và mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển.
Thanh Như