Căng mình ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi
4/10 huyện, thành phố có dịch, 675 con lợn bị mắc bệnh của 95 hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy tổng trọng lượng 32.362 kg. Đó là những diễn biến và thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, sau 2 tháng xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta. Thời điểm này, ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn đang căng mình phòng, chống và ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi.
Với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Nguyễn Tấn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi như giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.
Đến nay, ngành Nông nghiệp đã lấy 30 mẫu phân tích, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm, xử phạt 27 triệu đồng, tiêu hủy 32 con lợn và 35kg sản phẩm từ thịt lợn; tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch tả lợn Châu phi trên toàn tỉnh; cấp tạm ứng 2.800 lít hóa chất và các vật dụng bảo hộ cho các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Cùng với ngành Nông nghiệp, tại 4 địa phương có dịch đã thành lập 16 chốt kiểm dịch động vật tạm thời; tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh; phun hóa chất, rải vôi bột để tiêu độc khử trùng; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh. Các huyện chưa có dịch cũng đẩy mạnh triển khai các biện pháp thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các biện pháp phòng chống dịch cho người dân; tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn Châu Phi; thành lập 9 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, sử dụng 1.200 lít hóa chất để phun tại các chốt kiểm dịch…
|
Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong vòng vài ngày giữa tháng 7 (16 – 18/7), dịch bệnh tái phát tại huyện Ia H’Drai, dịch xảy ra ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum. Đáng nói là tại huyện Ia H’Drai – nơi xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên của tỉnh ta xảy ra từ ngày 30/5, sau đó dịch được khống chế, nhưng đến ngày 16/7, dịch đã tái phát trở lại.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch gặp nhiều trở ngại, thiếu hiệu quả. Mặt khác, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang vào mùa mưa, lúc mưa lúc nắng đan xen làm giảm sức đề kháng và dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đồng thời, mưa nhiều nên công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc, rải vôi không đạt hiệu quả.
Với những diễn biến khó lường của dịch tả lợn Châu Phi, để hạn chế việc dịch bệnh lây lan ra diện rộng và giảm thiểu những thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó với dịch.
Nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu là tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển lợn giữa các địa phương trong nội tỉnh và ngoài tỉnh. Với tinh thần “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch, trong đó ghi nhớ thực hiện 5 không: Không giấu dịch, điều trị lợn bệnh; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường làm phán tán dịch bệnh; không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân hạn chế tái đàn lợn và chuyển đổi vật nuôi khác ngoài lợn trong thời gian này.
Đối với vùng chăn nuôi trọng điểm như xã Ia Chim, xã Kroong (thành phố Kon Tum); xã Đăk La (huyện Đăk Hà)…, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cùng với các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát số lượng hộ chăn nuôi có tổng đàn lớn tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế người, phương tiện ra vào các trang trại; các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, rà soát, bố trí lại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời cho hợp lý và nâng cao hiệu quả việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…
Dịch tả lợn Châu phi không chỉ gây ra thiệt hại cho những chăn nuôi có lợn bệnh bị tiêu hủy mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành chăn nuôi và thị trường thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Để công tác chống dịch hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan, cùng với các biện pháp ứng phó của ngành chức năng cần sự góp sức của cả xã hội trong việc chủ động phòng ngừa dịch.
Thiên Hương