Cần mới theo "nông thôn mới"
Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân. Làm thế nào để bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới có đời sống kinh tế phát triển, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay...
Xóa "chuyện cũ" ở xã nông thôn mới
Bí thư Đảng ủy một xã nông thôn mới đã có lần hỏi tôi rằng, lâu nay, nói đến xây dựng nông thôn mới, thường chỉ thấy đề cập việc huy động nguồn lực làm đường, xây trường, kiên cố hóa kênh mương, xóa nhà tạm... mà ít nhắc đến chuyện xây dựng đời sống văn hóa. Vậy phải chăng chúng ta đang vô tình "bên trọng bên khinh"?
Tôi rất chia sẻ băn khoăn ấy của anh. Là Bí thư Đảng ủy một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, anh rất hiểu vai trò của xây dựng nếp sống văn hóa đối với quá trình xây dựng nông thôn mới. Bởi theo anh, mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân. Và muốn như vậy, cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn văn hoá truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống mới.
Anh kể, trước đây, và cho đến khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, thì chuyện cưới xin, ma chay vẫn còn nhiều tồn tại khiến chính quyền địa phương đau đầu. Ví như đám cưới chẳng hạn, linh đình lắm. Rạp phải cất to đùng, khách khứa phải mời thật đông, càng đông càng thể hiện được gia chủ "có vai có vế". Người ta mổ gà, heo, thậm chí cả bò để phục vụ ăn uống, tiệc tùng trong mấy ngày liền.
Hay như chuyện ma chay, cũng phải ăn uống, phải để chờ con cháu đông đủ rồi mới đưa đi chôn cất, rải vàng mã khắp đường đi...
Trên thực tế, không phải người dân không biết như thế là lãng phí, là không văn minh, nhưng nó đã là cái lệ rồi, hầu như gia đình nào cũng làm như vậy cả, nên phải theo, làm cho đầy đủ, nếu không mọi người sẽ chê cười. Rồi thì từ "lệ" mà nó thành "tệ"...
Không thể cứ để những "chuyện cũ" ấy tồn tại mãi ở xã nông thôn mới là quyết tâm của Đảng bộ xã. "Nhưng để hiện thực hóa quyết tâm ấy lại phải có những bước đi phù hợp, không thể nôn nóng. Việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong việc tang được lựa chọn thực hiện trước, vì qua khảo sát sơ bộ, nhiều người dân cho rằng những tập tục ấy lẽ ra phải được xóa bỏ từ lâu"- Bí thư Đảng ủy xã này nói.
Trước Tết Nguyên đán, Đảng bộ xã quyết định triển khai phong trào “3 không trong tang lễ” (không để quá 36 giờ; không đốt, rải vàng mã trên đường di quan; không ăn uống linh đình trong và sau tang lễ). Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc để vận động nhân dân thực hiện phong trào.
Ban đầu, ở mỗi thôn, làng, xã áp dụng "3 không" ở gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trước, rồi đến hội viên của các đoàn thể..., dần dần lan rộng ra cả thôn, làng. Đến nay, trên địa bàn xã hầu như không còn việc để qua 36 giờ, không còn cảnh đốt, rải vàng mã trên đường, việc ăn uống linh đình đã giảm hẳn.
Sự thành công trong việc xây dựng nếp sống mới trong việc tang đã và đang có sức lan tỏa trong đời sống nhân dân, làm chuyển biến sâu sắc nhiều phong trào, hành động cách mạng của địa phương. Vì vậy, có thể nói, với xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thì văn hóa càng có vai trò quan trọng, hay đúng hơn, là giải pháp hiệu quả trong việc duy trì và nâng cao chuẩn nông thôn mới - Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh.
Khó mà... dễ
Rõ ràng là xây dựng nông thôn mới không chỉ có những đường bê tông, ngôi nhà to đẹp, khang trang mà quan trọng là đời sống tinh thần của người dân phải từng bước được nâng cao; đời sống văn hóa và con người phải thực sự mới; nhân dân có lối sống văn minh, nghĩa tình, đùm bọc, chia sẻ, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng khác...
|
Nói thì đơn giản, nhưng bắt tay vào mới thấy khó - một Chủ tịch xã (đề nghị không nêu tên) than - Hiện nay, do điều kiện kinh phí hạn hẹp, địa phương ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kỹ thuật, nên thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân nên dễ phát sinh các hoạt động văn hóa sai lệch, chưa phù hợp; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt cao, nhưng có thể nói, con số chưa thực chất... Đây là những rào cản rất khó vượt qua.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) Nguyễn Huy Quốc, vấn đề này vừa khó lại vừa... dễ. Ví như việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, khi mới triển khai người dân phản đối gay gắt vì liên quan đến phong tục, tâm linh. Vì vậy, để người dân thực hiện, cán bộ, đảng viên trong xã đã gương mẫu làm trước.
“Chúng tôi vận động gia đình, họ hàng không tổ chức ăn uống, không rải vàng mã trong đám tang trước. Để giải quyết vấn đề tâm linh, chúng tôi phối hợp với nhà chùa tổ chức nói chuyện, vận động, giải thích cho người dân hiểu. Nhờ vậy, người dân hài lòng và làm theo”- Bí thư Quốc cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Thái Huy - Chủ tịch UBND xã Đăk La (huyện Đăk Hà), nếu như các tiêu chí về hạ tầng cần kinh phí lớn mới làm được, thì xây dựng nếp sống mới văn minh không cần nhiều kinh phí và thu được hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc này chính quyền không thể làm thay, làm hộ mà phải biết cách làm và biết vận động nhân dân hưởng ứng. Một mặt, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nhắc nhở để nhân dân hiểu và thực hiện, mặt khác, cần phát huy được vai trò nòng cốt của già làng, người có uy tín.
Như ở thôn 9 chẳng hạn - ông Huy dẫn chứng - với sự vận động tích cực của A Nhen - một người có thâm niên “vác tù và” hơn 20 năm - người dân trong thôn đã đồng lòng thực hiện các quy định mới trong xây dựng đời sống văn hoá. Đó là gia đình có việc tang lễ, không để kéo dài quá 24 tiếng đồng hồ; dân làng có trách nhiệm chung sức hỗ trợ gia chủ lo lắng chu tất mọi việc. Gia đình nào trong thôn có chuyện vui, có cưới hỏi, tiệc tùng đều phải tổ chức đơn giản, tiết kiệm; uống rượu chung vui cũng không được quá 18h.
Những quy định này đều được ghi rõ trong quy ước, hương ước thôn. Đội tự quản của thôn sẽ thường xuyên tuần tra, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. A Nhen nói: Xã nông thôn mới rồi, thì bà con cũng cần thay đổi, xóa bỏ những tập tục cũ, thực hiện nếp sống mới theo nông thôn mới.
Và mới đây, trong một chuyến đi công tác tôi có ghé qua thôn 9 và rất bất ngờ khi thấy cuốn sổ để ghi tên những gia đình bị phạt vì vi phạm vẫn còn trắng tinh. Thì ra, hơn 200 hộ gia đình trong thôn đều chấp hành nghiêm túc quy định này, chưa có trường hợp nào vi phạm.
Thành Hưng