Cần gì sau nông thôn mới?
Mục tiêu chung nhất của xây dựng nông thôn mới là gì? Là điện, đường, trường, trạm hoàn thiện? Là có sân thể thao, nhà văn hóa khang trang? Tất cả đều đúng, nhưng cuối cùng nhất, vẫn là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, và vì vậy, cốt lõi là nâng cao thu nhập...
Góc nhìn từ Hà Mòn
Xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) đang chuẩn bị sơ kết 5 năm đạt chuẩn nông thôn mới. Vào tháng 1/2013, khi lãnh đạo xã lên bục danh dự nhận quyết định công nhận, Hà Mòn chính là xã đầu tiên của cả khu vực Tây Nguyên về đích.
Dù tất bật với công việc họp hành, sơ kết, tổng kết cuối năm, anh Nguyễn Huy Quốc - Bí thư Đảng ủy xã vẫn dành thời gian trao đổi nhanh về kết quả sau 5 năm đạt chuẩn nông thôn mới.
"Nông thôn mới như một cuộc cách mạng, từng bước làm thay đổi diện mạo địa phương và đời sống người dân, từ phương thức sản xuất, sinh hoạt, phong cách ứng xử, cả trong nếp nghĩ, cách sống đã định hình nhiều năm"- anh nói.
Trên cơ sở bộ tiêu chí về nông thôn mới mang tính tổng thể, từ quy hoạch, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa, xã hội, thiết chế chính trị..., xã Hà Mòn đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, làm cho họ hiểu được rằng mình chính là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, để từ đó họ chủ động nhập cuộc, khắc phục tư tưởng thờ ơ, ỷ lại vào Nhà nước hoặc suy nghĩ đây là nhiệm vụ của huyện, của xã...
Tỉnh, huyện cũng quan tâm thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhờ đó hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ở Hà Mòn đều cơ bản hoàn thiện và đạt chuẩn theo quy định. Mặt bằng đời sống về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
|
Tất nhiên, Hà Mòn có nhiều lợi thế khi bắt tay vào hành trình xây dựng nông thôn mới, bởi từ lâu, nhờ cây cà phê mà Hà Mòn được xem là xã “giàu nhất tỉnh” với thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 22 triệu đồng, năm 2010 là 27,5 triệu đồng, năm 2011 khoảng 35 triệu đồng. Từ năm 2000, Hà Mòn đã không còn hộ đói; đến năm 2011 không còn hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Nhưng điều chúng tôi trăn trở là sau nông thôn mới sẽ làm gì? Bởi không cẩn thận sẽ rơi vào bệnh thành tích, thỏa mãn. Khi ấy, hẳn rằng sẽ rơi vào thoái trào, nông thôn mới sẽ lại thành... nông thôn cũ. Không thể nói đạt chuẩn rồi, có điện, đường, trường, trạm hoàn thiện, có sân thể thao, nhà văn hóa khang trang rồi là hoàn thành nhiệm vụ, mà cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa mức độ hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân - Bí thư xã Nguyễn Huy Quốc bộc bạch.
Hà Mòn đã làm được điều này. 44,5 triệu đồng/năm là mức thu nhập bình quân đầu người của xã Hà Mòn, tính đến thời điểm hiện tại, tăng 6,5 triệu đồng so với cuối năm 2012, là thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh hiện nay là 34,77 triệu đồng.
Cần gì sau nông thôn mới?
Tuần trước tôi có cuộc nói chuyện với một chủ tịch xã. Sau rất nhiều nỗ lực, xã anh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tất nhiên người dân tương đối hài lòng khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, vì đó là kết quả có được từ sự đồng lòng, chung sức, và họ nhìn thấy lợi ích và cơ hội vươn lên của mình trong đó. Còn anh bộc bạch rằng, vui thì vui thật, nhưng cũng thấy áp lực vô cùng.
Bởi thực tế cho thấy, khi đến với xã anh, không khó để nhận ra những "chuyện cũ" mà một xã nông thôn mới đang phải đối mặt. Đường sá đi lại của người dân vẫn chưa hết khó khăn, hệ thống thủy lợi vẫn chưa được kiên cố hóa hoàn toàn, điện vẫn chập chờn, nghèo khó vẫn cứ tái diễn do bệnh tật, thiếu sức lao động hoặc chưa có phương án làm ăn…
Bên cạnh đó, những hủ tục trong ma chay, hiếu hỉ vẫn còn phổ biến, thành lệ, thành nếp, gây tốn kém, lãng phí. Ngay cả chủ tịch xã cũng phải phàn nàn rằng, đạt nông thôn mới, nhưng vẫn còn đó những tư duy cũ, lối nghĩ cũ thì rất đáng lo ngại.
Và nhất là (nói ra có thể sẽ làm anh buồn bực, tự ái vì “dám” đụng đến “xã nhà”), vẫn còn đó những tiêu chí hoàn thành "ép", bởi chất lượng đạt ở mức tối thiểu và có nguy cơ “hụt hơi”. Vì vậy, sau khi đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã vẫn phải nỗ lực tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để danh hiệu được công nhận bền vững hơn. Chưa kể những khoản nợ trong xây dựng hạ tầng chưa có nguồn để thanh toán.
Mà cũng không chỉ riêng xã anh, nói rộng ra, nhiều địa phương đã hoặc chưa đạt nông thôn mới đều đang phải gánh "nợ". Chỉ tính riêng nợ tiền mua xi măng làm đường giao thông nông thôn, theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh, đã lên đến hơn 10,12 tỷ đồng.
Đây là những góc khuất vẫn đang tồn tại trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và cũng là lý do vì sao các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn đang đặt ra yêu cầu “làm mới nông thôn mới” từ tư duy, cách làm một cách nghiêm túc và thực chất hơn.
Vì vậy, cũng không có gì phải ngạc nhiên khi có ý kiến đề nghị rằng, dù đến nay mới có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng có lẽ, tỉnh nên tính đến câu chuyện "hậu nông thôn mới", với mục tiêu tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đảm bảo tính bền vững nhằm thúc đẩy phong trào ở trình độ và chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, cần có một sự đánh giá toàn diện tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là về những bất cập về việc làm và thu nhập cho nông dân, từ đó tìm được biện pháp hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là, cần có cơ chế khuyến khích người dân- vốn là trung tâm của quá trình xây dựng nông thôn mới, và cũng làm chủ nông thôn mới- mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi lối sống cũ, khắc phục tính thụ động, ngại đổi mới trước đây.
Thành Hưng