Các hợp tác xã nông nghiệp - Động lực trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã (công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng, thương mại-dịch vụ, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân...), loại hình hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi các hợp tác xã nông nghiệp là nơi gắn bó trực tiếp với nông dân và người lao động ở nông thôn. Trong quá trình hoạt động, hợp tác xã nông nghiệp không thể tách khỏi nông dân, nông thôn. Nếu muốn phát triển mạnh, các hợp tác xã nông nghiệp phải thành “bà đỡ” trong việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm hay sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở cả hai cùng có lợi.
Theo ông Trần Văn Chương- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua nhiều năm củng cố và phát triển, đến nay, toàn tỉnh phát triển 49 hợp tác xã nông nghiệp. Loại hình hợp tác xã nông nghiệp có số lượng hợp tác xã cao nhất trong các loại hình hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò chủ lực hỗ trợ kinh tế hộ ở nông thôn phát triển.
Các hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức của nông dân, đại diện cho quyền lợi của nông dân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sản xuất nông nghiệp luôn chịu sự chi phối của những yếu tố như cạnh tranh thị trường, biến động giá cả, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; nguồn đầu vào, đầu ra sản phẩm... tác động đến đời sống vật chất và tinh thần người nông dân. Nếu không có các tổ chức phát triển kinh tế đại diện uy tín nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân thì việc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân sẽ khó bền vững.
Từ góc nhìn này và trước đòi hỏi của cuộc sống, trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2017-2020; xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp; thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ, tham quan mô hình hợp tác xã kiểu mới để áp dụng vào sản xuất. Qua tập huấn, các hợp tác xã nông nghiệp chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học và chú trọng đưa cơ giới hoá vào sản xuất.
“Nhiều hợp tác xã chú trọng liên doanh, liên kết các hợp tác xã với nhau và với các doanh nghiệp như Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), Hợp tác xã Thần Nông, Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (thành phố Kon Tum)... để gia tăng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh” - ông Trần Văn Chương nhấn mạnh.
Gần đây, nhiều hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng hợp tác xã nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo các mô hình liên kết chuỗi sản xuất phát triển bền vững như Liên hiệp Hợp tác xã Nông công nghiệp xanh Kon Tum.
Khi nghiên cứu kinh tế hợp tác xã, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum) nhận thấy: Gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân để khẳng định được vị thế trên thị trường.
Từ thực tiễn quá trình theo dõi nông thôn mới và hợp tác xã, ông Trần Văn Chương khẳng định: Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp, nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Văn Nhiên