Bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác
“Bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu” là nội dung đã được xác định nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình số 31 của UBND tỉnh về triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế- xã hội năm 2019.
Gắn với chủ trương tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh, triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất…; thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã xây dựng và triển khai đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn.
Tổng hợp sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.260ha cây dược liệu; trong đó, ngoài 600ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, còn một số loại cây dược liệu phổ biến như hồng đảng sâm (sâm dây), đương quy, sa nhân tím, đinh lăng… được trồng tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy…
Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên và tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS khó khăn, bước đầu, bà con nông dân các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã trồng được 40ha sâm dây, 27ha cây đương quy, hơn 17ha sâm Ngọc Linh, hơn 6ha các loại cây sơn tra, ngũ vị tử, sa nhân.
“Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các xã rà soát, bố trí trên 600ha đất để liên canh các loại cây dược liệu, trong đó ưu tiên trồng sâm dây. Huyện cũng đã giới thiệu khoảng 1.000ha đất cho các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư, phát triển cây dược liệu” - đồng chí Võ Trung Mạnh- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết.
|
Được biết, đến nay, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu đối với 10 doanh nghiệp, tổng diện tích khoảng 7.660ha. Phần lớn trong số này là diện tích cho thuê rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục lựa chọn một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế để giới thiệu, khảo sát thực tế, làm cơ sở lập dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp quản lý, bảo vệ rừng.
Trong tháng 6/2019, Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được UBND tỉnh phê duyệt, với 5 nội dung và 4 giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Đáng chú ý là xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum, mà trọng tâm là quản lý chặt chẽ nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị.
Tỉnh cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh; sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh…
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh, một trong số nhiệm vụ công tác trọng tâm được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo là tập trung đẩy mạnh triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị các điều kiện để sớm hình thành 3 trung tâm dược liệu tại 3 vùng trọng điểm Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei đã được xác định.
Để tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu “không tách rời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu và sâm Ngọc Linh Kon Tum với phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn nhằm góp phần quan trọng phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân”, đồng thời phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột, hợp tác xã là hạt nhân để phát triển các chuỗi giá trị liên kết gắn với xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm chủ lực, dược liệu và sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Song song với đầu tư hình thành 3 vườn ươm giống dược liệu, UBND tỉnh còn xác định tập trung hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông; lựa chọn xây dựng thành công các thương hiệu sản phẩm dược liệu chủ lực trên địa bàn tỉnh, mà trước mắt là sâm Ngọc Linh và sâm dây.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đã được xác định, phấn đấu đưa sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu của tỉnh thực sự trở thành sản phẩm chủ lực, đồng thời tạo ra bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian tới, các cấp, các ngành và người dân tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cần thiết trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực này.
Thanh Như