Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư từ cải cách hành chính
Có chức năng quản lý nhà nước đối với các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, năm 2018 Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum tiếp tục chọn cải cách hành chính làm khâu đột phá trong thu hút đầu tư. Kết quả cho thấy nhờ đơn giản thủ tục hành chính, xây dựng được môi trường đầu tư thuận lợi, thân thiện và trách nhiệm, nhiều nhà đầu tư đã chọn tỉnh Kon Tum làm bến đỗ dù địa phương còn khó khăn hơn nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.
Trung tuần tháng 12/2018, 20 doanh nhân Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum. Trong những doanh nhân này, có người đã đầu tư sản xuất kinh doanh ở các tỉnh, như Bình Dương, Đồng Nai của Việt Nam, người thì đến từ thành phố Iksan, tỉnh Jeonllabukdo, Hàn Quốc.
Điều thú vị là người có vai trò kết nối các doanh nhân Hàn Quốc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum là ông Lee Han Su - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhựa thông SJ, nguyên là thị trưởng thành phố Iksan.
Ông Lee Han Su cho biết, sau nhiều lần đến tỉnh Kon Tum, ông đã quyết định đầu tư một nhà máy chế biến nhựa thông, dầu thông trên diện tích 12.000m2 ở Khu công nghiệp Hòa Bình và tích cực là nhịp cầu nối giữa các doanh nhân Hàn Quốc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum.
|
“Đối với Công ty của chúng tôi khi đầu tư ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình đó chúng tôi nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều từ phía Ban quản lý Khu kinh tế, là đơn vị có vai trò quyết định trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tới đây để đầu tư. Sự hỗ trợ đó làm chúng tôi rất cảm động và coi trọng hơn cả tình cảm trong gia đình nữa. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định đầu tư vào đây và làm nhịp cầu kết nối doanh nhân Hàn Quốc đến với Kon Tum” - ông Lee Han Su nhấn mạnh.
Trong điều kiện không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh bạn trong khu vực Tây Nguyên, những năm gần đây, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum xác định muốn tạo được đột phá để thu hút đầu tư phải bắt đầu từ cải cách hành chính.
Hiện tại để đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum, các doanh nghiệp chỉ cần đến một đầu mối duy nhất là Ban quản lý Khu kinh tế của tỉnh. Tất cả các thủ tục hành chính đều được thực hiện tại đây theo cơ chế một cửa tại chỗ và một cửa liên thông. Để hỗ trợ nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cũng xây dựng toàn bộ quy trình và có hướng dẫn rất cụ thể. Tất cả các thủ tục hành chính Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cam kết giải quyết không quá 2/3 thời gian so với quy định. Riêng với những thủ tục không phải lấy ý kiến cơ quan khác Ban quản lý giải quyết ngay trong ngày.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Chiến Thắng 1, doanh nghiệp có nhà máy bê tông thương phẩm đầu tư từ năm 2016 với tổng vốn 50 tỷ đồng ở Khu công nghiệp Hòa Bình cho biết, Công ty đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung và tòa nhà giới thiệu sản phẩm cộng chức năng văn phòng khoảng 110 tỷ đồng ở khu công nghiệp này.
“Tới giờ phút này tôi đã đầu tư ở nhiều tỉnh. Lên Kon Tum thì thủ tục triển khai đầu tư, thủ tục thực hiện đầu tư, trong giai đoạn triển khai đầu tư đưa vào vận hành nhà máy tất cả đều thuận lợi. Tỉnh tạo mọi điều kiện từ lúc lập hồ sơ dự án, rồi Ban quản lý Khu kinh tế cũng hướng dẫn tận tình để cho việc triển khai đầu tư nhanh nên mọi việc rất nhanh và thuận lợi. Thời gian từ khi làm các thủ tục đến lúc bước vào hoạt động sản xuất rút ngắn lại rất nhiều so với các nơi mà tôi đã đầu tư” - ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ một trong những lý do quan trọng khiến doanh nghiệp của ông quyết định gắn bó lâu dài với tỉnh Kon Tum.
Cùng với tăng cường cải cách hành chính tạo niềm tin ngay từ ban đầu cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng được môi trường đầu tư an toàn, thân thiện ở các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Bên cạnh an ninh trật tự được duy trì tốt, các cơ quan chức năng của tỉnh chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh khi có dấu hiệu sai phạm. Mỗi cơ sở một năm không thanh tra, kiểm tra quá một lần.
Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, song để thu hút đầu tư, tỉnh Kon Tum đã có chính sách đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Mạnh Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum khẳng định, Ban quản lý luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp: Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, từng dự án một khi nhà đầu tư đến với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum thì chúng tôi cử cán bộ trực tiếp có trình độ, có năng lực và nhiệt tình đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình lập thủ tục đầu tư. Hướng dẫn cụ thể và cùng với nhà đầu tư lập các thủ tục. Các nhà đầu tư được Ban quản lý cung cấp thông tin và hướng dẫn cụ thể về các chính sách ưu đãi để trên cơ sở đó nhà đầu tư đề nghị và sẽ được áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định. Nhà đầu tư được lựa chọn vị trí đất phù hợp để đầu tư mà không bị áp đặt vị trí. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cũng sẽ luôn đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Chọn cải cách hành chính là khâu đột phá, đến tháng 12/2018, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã thu hút được 99 dự án của 88 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y dẫn đầu với 62 dự án, Khu công nghiệp Hòa Bình đã được lấp đầy với 33 dự án. Đánh giá của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cũng cho thấy, các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hiện không còn tình trạng đăng ký ảo, chậm tiến độ hay chỉ làm thủ tục để giữ đất như trước đây.
KHOA ĐIỀM