Thuyền độc mộc giữa dòng trôi
Không hiểu thuyền độc mộc có tự lúc nào, nhưng từ khi mới sinh ra, già A Hyơh đã thấy cha ông của mình dùng thuyền độc mộc để đánh cá, để làm phương tiện lên rẫy. Thời gian trôi nhanh như con nước, tuổi thơ của già A Hyơh càng thêm gắn bó với chiếc thuyền độc mộc, qua những tháng ngày theo cha đi đánh bắt cá và được cha chỉ dạy cách đục đẽo những chiếc thuyền nhỏ lướt êm trên sông nước…
Độc đáo thuyền độc mộc
Già A Hyơh (ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) chỉ tay về phía 5 chiếc thuyền độc mộc nằm dưới gầm nhà sàn giới thiệu với chúng tôi bằng giọng buồn tênh: Đây là những chiếc thuyền của UBND xã gửi để phục vụ cho những cuộc đua thuyền độc mộc được tổ chức hàng năm. Còn với bà con dân làng nơi đây, bây giờ, chỉ còn ít gia đình dùng thuyền để đi đánh bắt cá trên sông...
Theo như lời kể của già A Hyơh, ngày trước, thuyền độc mộc không phải “nằm ngủ” dưới gầm nhà sàn, tránh mưa tránh nắng như bây giờ mà là phương tiện chính giúp người Gia Rai đi được xa hơn và nhất là mỗi buổi chiều đi rẫy về, trên những khoang thuyền luôn đầy ắp sản vật mà thiên nhiên ban tặng…Với những gia đình người Gia Rai xưa kia, thuyền độc mộc là một phần tài sản như con trâu, chiếc ghè, bộ chiêng vậy.
Nhìn chiếc thuyền độc mộc tuy mong manh, giản dị là vậy, nhưng muốn đẽo thành một chiếc thuyền đúng tiêu chuẩn, đi lại dễ dàng, thăng bằng trên sông nước không phải ai cũng làm được.
|
Anh A Lưới, đội trưởng đội đua thuyền của thôn Lung Leng tự hào: Ở xã Sa Bình này chỉ có thôn Lung Leng là có thuyền độc mộc. Thanh niên trong làng ai cũng biết đẽo thuyền, nhưng phần chỉnh thăng bằng và mũi, đuôi thuyền chỉ có vài người biết đến, trong đó tài nghệ nhất là già A Hyơh.
Muốn làm được chiếc thuyền độc mộc, người Gia Rai phải vào tận rừng sâu, chọn cây bò ma hay cây bằng lăng là tốt nhất. Cây làm thuyền phải to, thật thẳng, có đường kính khoảng 0,8m, dài khoảng 7-8m. Phải mất vài chục công mới làm xong chiếc thuyền.
Trong trí nhớ của già A Hyơh, ngày xưa, khi cây rừng còn chưa hiếm như bây giờ, người Gia Rai vào rừng chọn những cây vừa ý, sau đó lấy dây quấn tròn xung quanh thân cây, để thông báo với mọi người rằng, cây ấy đã có chủ và người khác phải đi tìm cây rừng khác, không ai xâm phạm của ai.
Sau khi cây rừng đủ tuổi, đủ tiêu chuẩn làm thuyền, bà con chặt cây kéo về và cho những thanh niên đang học việc đẽo, gọt phần vỏ, thân ngoài và khoét lòng thuyền. Khi thuyền đã thành dáng hình, nghệ nhân trong làng mới tiến hành chỉnh phần ngực, đuôi thuyền, mũi thuyền. Cuối cùng là con thuyền được đưa xuống nước để chỉnh lại lần cuối, làm sao chiếc thuyền đi phải thật lướt, khi chèo mũi thuyền phải hếch lên phía trên…
Khi người nghệ nhân chỉnh thuyền, những người học việc phải đứng quan sát từng cử chỉ, nghe từng lời chỉ dẫn. Mỗi con thuyền sau khi được làm ra là thêm một niềm vui mới cho dân làng. Và cũng phải đợi đến lâu lắm mới có một con thuyền nữa ra đời, khi ấy trong làng mới có thêm một người biết việc đẽo thuyền…
|
Già A Hyơh cho biết: Nay cây rừng hiếm rồi, không còn cây bò ma, cây bằng lăng như ngày xưa, nên hiện nay dân làng dùng cây xoài rừng để làm thuyền độc mộc. Cây xoài rừng có ưu điểm là nhẹ, nhưng không chắc chắn và cũng nhanh hư hỏng…
Giữa dòng trôi…
Anh A Lưới kéo một chiếc thuyền độc mộc dưới gầm nhà sàn ra nói: Thuyền này làm bằng gỗ xoài rừng nên đã có mấy chỗ bị mối, mọt.
Qua tìm hiểu được biết, những chiếc thuyền nằm dưới gầm nhà sàn này là của UBND xã thuê người dân trong làng làm để dùng trong ngày lễ hội đua thuyền. Ngoài những ngày lễ hội ra, những chiếc thuyền này “nằm đắp chiếu” ở dưới gầm nhà, chứ chưa được sử dụng để đi lại hoặc đánh bắt cá lần nào cả…
Già A Hyơh nói: Cách đây vài ba năm, cả làng Lung Leng có khoảng 40-50 chiếc thuyền độc mộc, bây giờ hư hỏng hoặc bị nước cuốn trôi gần hết, cả làng chỉ còn khoảng 15-16 chiếc mà thôi, mà cũng chỉ có một vài hộ dân sử dụng đi đánh cá ở lòng hồ để cải thiện bữa ăn…
Lời già A Hyơh nói có lẽ không sai, khi những cây cầu đã giúp người dân trong vùng dễ dàng qua sông, qua suối và những con đường trải bê tông phẳng lì đã giúp cho đôi chân người Gia Rai mang về những sản phẩm lao động sản xuất được dễ dàng hơn…Và vì thế, thuyền độc mộc dần thoái lui khỏi bến bờ và mặt nước, nơi đã sản sinh ra nó từ ngàn đời trước.
Nỗ lực của chính quyền
Chủ tịch UBND xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận chia sẻ: Nhằm khôi phục nghề đẽo thuyền của người Gia Rai, hàng năm, xã trích kinh phí từ nguồn tự cân đối, thuê người dân tìm mua cây đẽo thuyền độc mộc. Mỗi năm đẽo 1 chiếc với kinh phí khoảng 10 triệu đồng, đến nay, xã có 5 chiếc thuyền độc mộc. Những chiếc thuyền này dùng để đua thuyền trong các ngày lễ hội…
Anh Nguyễn Hữu Cầu - cán bộ Văn hóa thông tin xã Sa Bình tiết lộ thêm: Nhờ có truyền thống bơi thuyền mà thanh niên thôn Lung Leng vẫn còn mặn mà với thuyền độc mộc. Đáng mừng là từ năm 2000 đến nay, tại các lễ hội đua thuyền độc mộc các cấp, đội thuyền của làng, của xã đều đoạt giải Nhất, Nhì…
Cũng theo lời Chủ tịch Nguyễn Minh Thuận thì, mỗi lần xã thuê dân làng đẽo thuyền đều có tổ chức lễ hẳn hoi, cũng ghè rượu con gà để cúng, làm lễ đưa thuyền xuống nước. Việc làm này giúp người Gia Rai không quên nguồn cội của mình, một cội nguồn đầy kiêu hãnh của một dân tộc luôn khát khao chinh phục và khám phá thiên nhiên…
Rời thôn Lung Leng trong nắng chiều nhạt, tôi bắt gặp một hình ảnh thật đẹp, xa xa giữa lòng hồ một chiếc thuyền độc mộc của ai đó đang thả câu trong chiều vắng - mà theo già A Hyơh cũng chỉ còn rất ít người dân sử dụng để đi đánh bắt cá trên sông…
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận