Thơm ngon rượu ghè làng Kon Jơ Ri
Cũng như bao cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, người Ba Na ở làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) có truyền thống làm rượu ghè. Họ không rõ biết làm ra rượu ghè từ khi nào, chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, tổ tiên, ông bà họ đã biết làm rượu ghè để tế thần linh và cùng nhau thưởng thức. Và, từ lâu nghề nấu rượu ghè trở thành truyền thống nhằm phục vụ đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na nơi đây.
Kon Jơ Ri là làng của người Ba Na di cư từ xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) sang xã Đăk Rơ Wa lập nghiệp từ nhiều năm trước. Ngôi làng nằm trên một khu đất cao ráo và tương đối bằng phẳng, với một không gian thoáng đãng, mặt hướng ra dòng sông Đăk Bla có cánh đồng phù sa màu mỡ thẳng cánh cò bay.
Sống giữa núi đồi và bên dòng sông Đăk Bla miên man con nước ngược xuôi, người Ba Na ở đây rất chân chất và dễ gần. Trong đời sống sinh hoạt của người dân, rượu ghè là phẩm vật không thể thiếu để họ dâng lên thần linh trong các dịp lễ hội và cùng nhau thưởng thức nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
Với sự khéo léo, đảm đang của mình, phụ nữ Ba Na ở làng Kon Jơ Ri chính là những người làm ra những ghè rượu thơm ngon. Chúng tôi về làng Kon Jơ Ri để tìm hiểu về “hương rượu thơm nồng” nổi tiếng của người Ba Na nơi đây.
Chị Y Maih, người nấu rượu ghè nổi tiếng được người dân phong là “nghệ nhân” không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về nghề nấu rượu và kỹ thuật nấu rượu ghè.
Chị Y Maih cho biết, cũng như bao phụ nữ Ba Na khác ở làng Kon Jơ Ri, từ lâu lắm rồi, khi còn là con gái, chị đã học làm rượu ghè từ mẹ, từ bà của mình. Lớn lên khi lập gia đình, chị thành thạo tất cả các công đoạn và kỹ thuật làm ra các loại rượu gào, rượu nếp than, rượu bo bo, rượu xà cơn và cả rượu mì để phục vụ lễ hội và đãi khách quý.
Để có rượu ngon, theo chị Y Maih: Hơn nhau là ở kỹ thuật làm men. Để làm ra những bánh men, người phụ nữ phải vào rừng tìm cây hiam (một loại cây rừng - PV) rồi lột vỏ đem về giã làm men. Tuy nhiên, phải lấy cây hiam có nhựa vàng, mọc lẻ, không lấy cây có nhựa trắng và mọc thành khóm.
Chị Y Maih còn chia sẻ: Bình quân một cây hiam lột vỏ thường lấy được khoảng 4-5kg vỏ. Vỏ cây hiam đem về được chặt nhỏ trộn với ớt, củ riềng rồi giã nhỏ, ngâm ép lấy nước và giã với gạo xà cơn. Gạo giã nhỏ thành bột. Lấy bột gạo làm thành những bánh men trắng. Phơi bánh men khô để dùng dần.
“Khó nhất trong nghề chế biến rượu ghè là ủ men. Nếu ủ men lên nhiều quá (chảy nước ra - PV) thì rượu sẽ chua. Nếu men chưa lên mà đem ủ rượu, thì rượu sẽ nhạt. Men lên đều là mặt men có nước đọng lại như sương và khi sờ tay vào bao gùi ủ men thấy nóng ấm đều là tốt nhất’’ - chị Y Maih tiết lộ kỹ thuật làm men - một công đoạn quan trọng có tính quyết định đến chất lượng của ghè rượu.
Thường 1 lạng men, bà con dùng cho 10kg gạo, gào, bo bo hay nếp than. Gạo, gào, bo bo hay nếp than sau khi nấu chín để nguội, bóp rời và trộn với men rượu rồi đem ủ trong ghè. Rượu ghè để càng lâu càng ngon.
Các loại rượu do chị Y Maih cũng như nhiều chị em khác trong làng Kon Jơ Ri làm đều ngon, nhưng ngon nhất là rượu gào, nếp than.
Trao đổi với chúng tôi, chị Y Maih kể: Dịp Tết Nguyên đán 2019, chị làm hơn 50 ghè rượu các loại, trong đó đã bán được 30 ghè, hơn 20 ghè còn lại để thưởng thức trong gia đình và mời dân làng cùng chung vui.
|
Thông thường rượu ghè làm ra, phần lớn phục vụ nhu cầu bà con trong làng và các làng phụ cận. Những năm gần đây, khách du lịch đến làng Kon Jơ Ri tham quan thường mua rượu ghè của chị Y Maih để thưởng thức và chung vui với dân làng.
Giá từng loại rượu ghè cũng có sự khác nhau. Thường thì, 1 ghè rượu 10 lít, nếu là rượu nếp than có giá 500.000 đồng/ghè, nếu là rượu gào 400.000 đồng/ghè, còn rượu xà cơn có giá 300.000 đồng/ghè...
Không chỉ chị Y Maih, ở làng Kon Jơ Ri còn nhiều chị như Y Mướp, Y Chướt, Y Hưnh... cũng thường làm rượu ghè phục vụ lễ hội, khách du lịch và để uống.
Chị Y Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, nhờ tài nghệ làm rượu ghè ngon, mà mới đây, chị Y Mail đã được UBND xã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên (Tỉnh đoàn Kon Tum) mời truyền dạy nghề cho phụ nữ trong làng (thông qua lớp học nghề nấu rượu ghè).
|
Là hướng dẫn viên đưa khách du lịch đi tham quan nhiều nơi, anh Nguyễn Văn Khánh (Thành phố Hồ Chí Minh) khi đến làng Kon Jơ Ri uống rượu ghè của chị Y Maih hết lời khen ngợi: Dù uống rượu ghè ở rất nhiều nơi, nhưng tôi thấy hương rượu làng Kon Jơ Ri thơm nồng, ấm, ngọt, khó lẫn với rượu nơi khác.
Trong xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Rơ Wa xác định chú trọng phát triển các nghề truyền thống như rượu ghè, dệt thổ cẩm... để phục vụ khách du lịch và tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Xác định đúng hướng đi và mở rộng phát triển các nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch, làng Kon Jơ Ri đang từng bước vươn lên trong xây dựng nông thôn mới.
VĂN NHIÊN