Nghệ nhân tâm huyết với cồng chiêng
Ở làng Kon H’Ngo K’Tu (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), nghệ nhân A Khul là người có uy tín trong làng. Ông không chỉ nắm vững kỹ năng đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng và sáng tác các bài chiêng mới mà còn tích cực tham gia vào việc truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.
Qua giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Vinh Quang, tôi về làng Kon H’Ngo K’Tu- ngôi làng bên dòng sông Đăk Bla để tìm gặp nghệ nhân A Khul. Nghệ nhân năm nay đã 73 tuổi, sinh sống cùng với gia đình trong căn nhà nhỏ nằm bên con đường chính đi qua làng.
Nghệ nhân A Khul gắn bó với cồng chiêng từ lúc còn nhỏ tuổi. Đến khi trưởng thành, ông thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các sự kiện, lễ hội của làng. Ông được dân làng đánh giá là người tâm huyết và hết lòng trong việc bảo vệ, duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng.
Năm 2000, thời điểm nghệ nhân A Khul tròn 51 tuổi, ông cùng các nghệ nhân lớn tuổi có uy tín khác trong làng Kon H’Ngo K’Tu đứng ra mở lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Đối tượng được truyền dạy chủ yếu là thanh thiếu nhi và phụ nữ, những người có đam mê nhưng chưa có điều kiện để học đánh cồng chiêng.
|
Thời gian thấm thoát trôi qua, nghệ nhân A Khul không nhớ rõ ông đã cùng các nghệ nhân lớn tuổi khác truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho bao nhiêu người. Ông chỉ nhớ các học trò đều đã trưởng thành và hiện giờ nhiều người là thành viên chủ chốt trong đội cồng chiêng của làng, còn lại một số người khác sau khi lập gia đình đã chuyển sang làng khác sinh sống cũng trở thành thành viên chủ chốt đội cồng chiêng của các làng.
Ngoài đứng lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng tại nhà rông của làng, nghệ nhân A Khul còn tích cực truyền dạy, luyện tập kỹ năng đánh và biểu diễn cồng chiêng cho nhiều thế hệ học sinh người DTTS ở Trường Tiểu học và THCS xã Vinh Quang. Được nghệ nhân A Khul chỉ dạy, các học sinh của trường đã tự tin hơn khi biểu diễn cồng chiêng, tham gia và đạt thành tích tại Liên hoan cồng chiêng dành cho học sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum trong các năm. Đặc biệt, các em còn tham gia biểu diễn cồng chiêng tại sự kiện Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh lần thứ 4 (năm 2018).
Nhờ có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ nhân A Khul được dân làng Kon H’Ngo K’Tu tín nhiệm giao quản lý chìa khóa cửa nhà rông và bảo vệ bộ cồng chiêng của làng trong khoảng thời gian dài. Cho đến khi nghệ nhân A Khul bị tai nạn, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, việc giữ chìa khóa cửa nhà rông và bảo vệ bộ cồng chiêng của làng được ông chuyển giao cho nghệ nhân A Lêr.
Trong làng Kon H’Ngo K’Tu có rất nhiều người đánh cồng chiêng giỏi, đó là các nghệ nhân lớn tuổi, như A Grat, A Sryuh, A U, A Ngốt, hay các thanh niên trẻ tuổi, như A Khang, A Khát, A Ruak, A Hyuh, nhưng chỉ có nghệ nhân A Khul và nghệ nhân A Lêr là biết chỉnh chiêng và tự sáng tác các bài chiêng.
Đối với nghệ nhân A Khul, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến nay ông vẫn chưa có bộ cồng chiêng của riêng mình, nhưng tình yêu trong ông với cồng chiêng vẫn không thay đổi. Ông thường sử dụng bộ cồng chiêng của làng để sáng tác các bài chiêng mới về chủ đề đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân trong làng, như bài chiêng kể về người dân làng Kon H’Ngo K’Tu nuôi cách mạng, vượt sông Đăk Bla đi làm rẫy, uống cà phê buổi sáng, chia buồn với gia đình có người qua đời. Các bài chiêng đều được dân làng đón nhận và sử dụng rộng rãi bên cạnh các bài chiêng truyền thống, bài chiêng cổ của làng, như bài mùa Xuân, mùa bông gòn, người phụ nữ đẹp, tình yêu nam, nữ.
Nghệ nhân A Khul kể rằng, mỗi bài chiêng ông mất khoảng 1 tuần để sáng tác. Nhịp đánh, lực đánh từng chiếc chiêng, chiếc cồng, cả nhịp đánh trống và lắc chuông, ông tự nghĩ rồi đánh một mình. Sau đó, ông viết các nốt nhạc của từng nhạc cụ lên bảng và các thành viên trong đội cồng chiêng của làng nhìn theo rồi đánh. Mỗi lần hoàn thành sáng tác được 1 bài chiêng mới, trong lòng ông đều rất vui và hạnh phúc.
|
Nghệ nhân A Grat, sinh sống ở gần nhà nghệ nhân A Khul chia sẻ: Nghệ nhân A Khul là người rất tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng. Tôi cũng đứng lớp truyền dạy cồng chiêng với nghệ nhân A Khul nên biết rất rõ về ông ấy. Mỗi khi truyền dạy, nghệ nhân A Khul đều tỉ mỉ và tận tình với các học trò của mình.
Bên cạnh việc truyền dạy và tự sáng tác các bài chiêng, nghệ nhân A Khul còn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động dân làng Kon H’Ngo K’Tu gìn giữ, không bán cồng chiêng và khuyến khích dân làng sử dụng cồng chiêng như một loại hình âm nhạc truyền thống trong các dịp lễ hội, sự kiện của gia đình và cộng đồng.
Nghệ nhân A Khul bộc bạch rằng, khi nào ông còn khỏe, ông vẫn còn đánh cồng chiêng và tham gia truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Ông mong muốn từng gia đình trong làng, đặc biệt là thế hệ thanh niên trẻ hãy gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng, để sau này, làng Kon H’Ngo K’Tu có thêm nhiều người đánh cồng chiêng giỏi và tài năng.
Với tri thức đang nắm giữ về di sản văn hóa cồng chiêng và có những đóng góp to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy, trao truyền di sản cho cộng đồng, năm 2022, nghệ nhân A Khul và nghệ nhân A Lêr (cùng làng Kon H’Ngo K’Tu) được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (diễn tấu cồng chiêng). Đây là phần thưởng xứng đáng, động lực tinh thần để nghệ nhân A Khul tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa.
ĐỨC THÀNH