Gia đình nghệ nhân đam mê văn hóa truyền thống
Về làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), chúng tôi có dịp đến thăm gia đình vợ chồng nghệ nhân A Duih (58 tuổi) và Y Pyir (57 tuổi), dân tộc Gia Rai, nổi tiếng với niềm say mê đan gùi, dệt thổ cẩm và nhạc cụ dân tộc. Với ông A Duih và bà Y Pyir, niềm đam mê và lòng yêu nghề truyền thống đã giúp họ luôn giữ lửa và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Trước hiên nhà rộng rãi, thoáng mát, bà Y Pyir ngồi dệt thổ cẩm, ông A Duih thì đan lát, cả 2 nghệ nhân đang miệt mài với đam mê của mình. Thấy khách tới thăm, 2 vợ chồng nghệ nhân ân cần đón tiếp và trò chuyện.
Vừa tỉ mỉ dệt vải, bà Y Pyir vừa kể, từ năm 10 tuổi, bà đã được người già căn dặn rằng phải dệt được thổ cẩm, các vật dụng trong gia đình thì mới lấy được chồng. Ghi nhớ lời căn dặn, bà say mê học hỏi nghề dệt và tay nghề dần dần nâng lên. Đến năm 18 tuổi thì tay nghề của bà đã có tiếng khắp làng bởi sản phẩm làm ra tinh xảo và đẹp mắt. Cũng theo bà, hiện nay lớp trẻ trong làng không mấy ai biết dệt thổ cẩm. Việc học dệt bây giờ cũng khó khăn hơn ngày xưa vì lớp trẻ không có đam mê, nhiệt huyết.
|
Bà Y Pyir chia sẻ: “Trước đây việc học nghề rất đơn giản và nhanh chóng bởi không khí học nghề ngày ấy rất sôi nổi, ai cũng thi nhau học vì quý và xem trọng nghề. Bản thân tôi ngày ấy cũng chỉ mất khoảng một năm để làm quen và ghi nhớ hết các hoa văn, họa tiết phức tạp. Đến những công đoạn khó hơn như dệt trang phục, những hình vẽ khó, những tấm vải lớn, tôi lại cùng đám bạn trong làng tụ tập vừa làm vừa trao đổi vui vẻ, tạo ra một không khí sôi nổi, giúp đẩy nhanh quá trình học. Đến bây giờ, những người già trong làng hiểu biết về nghề dệt cũng hiếm dần nên bản thân tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng lưu giữ được càng nhiều kiến thức càng tốt thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được”.
Hiện nay, mỗi khi trong làng có tổ chức lớp dạy thổ cẩm, nghệ nhân Y Pyir vẫn được mời đứng lớp với vai trò là tổ trưởng tổ dệt. Theo bà, ngày trước phụ nữ trong làng hầu hết ai cũng biết dệt như công việc thường xuyên để làm ra quần áo, vật dụng sử dụng hàng ngày. Từ những vật dụng nhỏ như khăn, áo, khố đến những tấm vải lớn như mền, thảm đều được mọi người tự làm, ít khi mua bán hoặc trao đổi giao lưu với làng khác. Mỗi khi cần lên rừng để tìm nguyên liệu, sợi bông thì đàn ông, con trai trong làng sẽ đảm nhận nhiệm vụ. Mỗi lần đi tầm 2-3 ngày, khi trai làng về, những nguyên liệu núi rừng được chất đầy những chiếc gùi lớn. Sau đó phụ nữ sẽ có nhiệm vụ xử lý nguyên liệu để tạo ra tơ sợi để dệt.
|
Ngồi bên hiên nhà, nghe bà Y Pyir kể chuyện, ông A Duih cũng hào hứng chia sẻ rằng, thời còn trai trẻ, ông cũng thường xuyên lên rừng dài ngày cùng các chú, các anh để lấy vật liệu. Mỗi chuyến đi kéo dài vài ngày, kết hợp tìm kiếm nhiều sản vật, trong đó có những nguyên liệu để làm bông sợi, tạo màu cho vải thổ cẩm. Mỗi lần như thế, ông thường mang sau lưng chiếc gùi thật lớn mới có thể chứa hết những sản vật tìm được sau bao ngày lặn lội trong rừng sâu.
Vừa nói, nghệ nhân A Duih vừa mang vài chiếc gùi do ông tự đan ra để giới thiệu cho khách. Ông cho biết, chiếc gùi ngày nay đã được cải tiến nhỏ gọn hơn ngày trước nhiều cho phù hợp với cuộc sống bây giờ bởi không còn phải mang vác những vật to lớn. Ngoài đan gùi, ông còn đan những vật dụng với đủ các loại kích cỡ lớn nhỏ như nong, nia, rổ, rá... để sử dụng trong gia đình.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, ông A Duih tâm sự: Để làm nghề đan lát cũng như những nghề truyền thống khác phải có tính cần cù, chịu khó và cẩn thận, không được nôn nóng. Hiện tại, nếu so với những công việc đi làm thuê khác thì thu nhập từ nghề đan lát không bằng. Nhưng với niềm đam mê, nhiều người già trong làng vẫn làm không chỉ để gìn giữ nghề truyền thống của người Gia Rai mà vì nó còn mang đến niềm vui và làm sống lại những kỷ niệm đẹp ngày xưa.
|
Ngoài đam mê đan lát và dệt thổ cẩm, vợ chồng nghệ nhân A Duih và Y Pyir còn đam mê sưu tập cồng chiêng và ché, chum cổ. Đặc biệt, già A Duih là một tay chiêng giỏi, rất nhiệt tình và tâm huyết với các buổi sinh hoạt cồng chiêng tại làng. Ông từng nhiều lần tham gia giảng dạy, hướng dẫn đánh chiêng cho các em nhỏ và thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội tại địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan căn phòng cất giữ những món vật quý của nhà, già A Duih cẩn thận mang những chiếc cồng chiêng ra lau chùi và giới thiệu cho khách. Ông cho biết, khả năng chơi chiêng của ông là do năng khiếu, từ khi còn nhỏ, nghe cha ông mình biểu diễn rồi bị những âm thanh trầm bổng ấy cuốn hút, sau đó tự mày mò và học theo. Để học và chơi chiêng giỏi thì cần có niềm đam mê và kiên trì theo đuổi đến cùng.
Nghệ nhân A Duih cho biết, mỗi dịp sắp có lễ hội, cả đội chiêng và dân làng tụ tập tại nhà rông để tập và thưởng thức những giai điệu cồng chiêng trầm bổng. Mỗi lần như thế cũng sẽ tận dụng để dạy cho lớp trẻ đánh chiêng. Ban đầu sẽ cho chúng nghe các bài tập của người lớn đánh đi đánh lại nhiều lần để quen với giai điệu, cuối buổi mới cho chúng cầm chiêng để thực hành.
Với cách dạy như thế, tôi luôn thấy các em hào hứng và học nhanh hơn rất nhiều.
Đối với đam mê sưu tầm và gìn giữ những chiếc chum, ché cổ, vợ chồng nghệ nhân A Duih và Y Pyir chia sẻ rằng, việc giữ gìn những vật dụng, đồ dùng truyền thống như một cách để tưởng nhớ đến cha ông và cũng là để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, những vật dụng này cũng rất có ích, có thể dùng để nấu rượu, ủ men, nếp, gạo... và cho ra những sản phẩm thơm ngon hơn bình thường.
Chia tay vợ chồng nghệ nhân A Duih và Y Pyir, chúng tôi hi vọng họ sẽ mãi giữ gìn tình yêu, niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ về sau, góp phần vào gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai.
HOÀNG THANH