Thay đổi diện mạo xã đặc biệt khó khăn
Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị kết nghĩa, diện mạo nông thôn các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từng bước có nhiều đổi thay khởi sắc.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh Kon Tum có 53 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn. Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị kết nghĩa, diện mạo nông thôn các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từng bước có nhiều đổi thay khởi sắc.
Ngày 14/6/2007, Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trên cơ sở Chỉ thị 10-CT/TU về xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới và Nghị quyết 01-NQ/TU về tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế mới khó khăn nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã để phát triển KT-XH và nâng cao đời sống nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Phó Ban chỉ đạo 04 Tỉnh ủy cho biết: Xác định đây là một trong những Nghị quyết quan trọng của Tỉnh ủy nên thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện. Đối với cấp tỉnh, ngoài việc rà soát, phân công lại một số cơ quan, đơn vị kết nghĩa xã, đã kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành những nghị quyết, quyết định hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các xã đặc biệt khó khăn và trọng điểm đặc biệt khó khăn… Cấp huyện phân công từng phòng, ban đơn vị của huyện giúp đỡ các thôn làng. Cấp xã, phân công cấp ủy viên phụ trách từng thôn làng; đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ; chủ động điều tra, phân loại hộ, thôn làng, xác định nhiệm vụ trọng tâm để đề nghị đơn vị kết nghĩa giúp đỡ…
Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa của tỉnh được phân công kết nghĩa xây dựng xã thành lập tổ, đội công tác giúp xã; hàng năm, căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và xã kết nghĩa xác định nhiệm vụ trọng tâm, chủ động xây dựng kế hoạch giúp xã…; tập trung giúp xã xây dựng các thôn làng no đủ - vững mạnh - an toàn; hướng dẫn, giúp đỡ, vận động nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh có hiệu quả nhân ra diện rộng.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 04 Tỉnh ủy, 8 năm qua, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh đã phân công 13.961 lượt cán bộ trực tiếp xuống xã phối hợp với tổ, đội công tác của huyện, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cơ sở bám thôn làng, nắm hộ, thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân tích cực tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
|
Nhờ được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã đạt được kết quả tích cực, thể hiện rõ nhất là việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn từ 57,2% (năm 2007) xuống còn 34,7% (năm 2015), trong đó 18/53 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 30% và 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo là 44%.
Tháng 3/2016, Sa Sơn là xã đầu tiên của huyện Sa Thầy được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Với Sa Sơn, đây là thành tích đáng tự hào, bởi trước đây địa phương là 1 trong 53 xã nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Năm 2010, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Sa Sơn mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và là một trong những xã có xuất phát điểm ở mức dưới trung bình của tỉnh. Thế nhưng, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là sự giúp đỡ của đơn vị kết nghĩa theo Nghị quyết 04 Tỉnh ủy, Sa Sơn đã “về đích” đúng lộ trình.
Ông Ngô Công Phương – Bí thư Đảng ủy xã Sa Sơn khẳng định, nhờ sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội tỉnh (đơn vị kết nghĩa) trong việc khảo sát, nắm bắt thế mạnh của địa phương để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc dưới tán cao su; đề án xây dựng nông thôn mới… đã giúp Sa Sơn từng bước thoát nghèo.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Sa Sơn đã phát triển nhanh diện tích trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cao su. Hiện, Sa Sơn đã trồng được 2.000ha cao su, trong đó 1.600ha tiểu điền (450ha đã khai thác). Ngoài ra, địa phương cũng đã phát triển được mô hình chăn nuôi bò, dê với số lượng hơn 500 con. Trong nông nghiệp, người dân đã áp dụng KHKT vào sản xuất: 75% diện tích lúa nước được chuyển đổi sang giống lúa lai, 100% diện tích bắp và mì được thay đổi bằng giống bắp lai và mì cao sản, cơ giới hóa được 95% khâu làm đất và 95% khâu thu hoạch đã được bà con sử dụng bằng máy móc… Nhờ đầu tư đúng hướng, thu nhập người dân được nâng lên 23,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,65% (43 hộ nghèo).
Sự thành công của xã Sa Sơn là một trong những điển hình minh chứng cho tính hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 04 của Tình ủy (khóa XIII) trong suốt 8 năm qua. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân ở những xã vùng sâu vùng xa đã có nhiều đổi thay tích cực là có sự đóng góp từ chính việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 04.
Đến năm 2015, về cơ bản các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó bình quân các xã đạt 78% so với mục tiêu Nghị quyết, các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn đạt 70,5% so với mục tiêu chương trình Tỉnh ủy đề ra: 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 52 xã có đường ô tô đi được 2 mùa (tăng 33%); hơn 76% hộ gia đình có nhà xây kiên cố và bán kiên cố (tăng 31%); 48/53 xã có trường tiểu học được xây dựng kiên cố (tăng 60%), 48/53 xã có trường THCS kiên cố (tăng 23%); 44/53 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 42,5% thôn (làng) được công nhận thôn (làng) văn hóa; 42,3% xã được đánh giá đạt vững mạnh và vững mạnh toàn diện về QPAN; xây dựng được 472 cốt cán, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; tạo nguồn, giới thiệu 422 quần chúng ưu tú cho các đảng ủy xã bồi dưỡng và đã kết nạp 113 đảng viên mới; xây dựng được 118/409 thôn (làng) cơ bản đạt no đủ-vững mạnh-an toàn…
Sông Côn