Sách - Bạn của mỗi người
Thời bao cấp, sách là một loại hàng hóa đặc biệt, có thể nói là xa xỉ phẩm đối với nhiều người, bởi vì sách rất quí và hiếm.
Khi ấy, Internet chưa có, các thiết bị nghe nhìn (ti vi, radio) rất hiếm, ít có nhà có điều kiện mua để giải trí, nắm bắt thông tin, tiếp thu tri thức. Vì vậy, sách là món ăn tinh thần duy nhất để mọi người nâng cao tầm hiểu biết của mình về xã hội, cuộc sống, thế giới.
Tôi cũng như nhiều người khác, có chung niềm đam mê đọc sách. Đọc để hiểu, để biết những vần thơ hay, những áng văn bất hủ; để thu nạp những kiến thức về khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, y học, lịch sử, văn hóa... trong kho tàng tri thức của nhân loại, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình.
Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định “siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí” nhưng người đọc sách phải đi đôi với thực hành theo sách. Trong đọc sách, Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng và phải biết vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn. Sự vận dụng tài tình những điều đã học và đã đọc chính là một trong những điểm mấu chốt trong vấn đề đọc sách.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet và các thiết bị nghe nhìn hiện đại khác, văn hóa đọc sách có nguy cơ mai một dần. Hơn nữa, vì công việc bận rộn, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người không có thời gian đọc sách, từ bỏ niềm đam mê đọc sách. Không ít học sinh, sinh viên tỏ ra “thờ ơ” với việc đọc sách, chưa xem đây là cơ hội tốt để dung nạp, bổ sung thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết về xã hội, về tri của thức nhân loại khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
|
Tuy nhiên, không ít người vẫn có niềm đam mê đọc sách, coi sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày. Ông Hồ Đàm Hưng – một cán bộ cao cấp của tỉnh đã nghỉ hưu hơn 10 năm ở thành phố Kon Tum chia sẻ: Ngày nào, tôi cũng đọc trên 20 trang sách, không đọc không chịu được. Đọc sách đã trở thành thói quen, nó đã ăn sâu vào tiềm thức đến tận bây giờ, kể cả khi hồi còn làm việc nhà nước. Qua đọc báo, phát hiện có nhiều cuốn sách hay mới phát hành, ở Kon Tum tìm không có, tôi phải nhờ bạn bè, con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mua giùm, gửi về để đọc cho bằng được...
Đọc sách đã trở thành thói quen trong nếp sinh hoạt hằng ngày của em Trần Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 8G, Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Tâm sự với tôi, em nói rằng, do nhà ở gần trường, gần Thư viện huyện nên rảnh lúc nào, em tới thư viện đọc sách lúc đó.
Ánh hay đọc sách viết về Bác Hồ, sách văn học, sách khoa học kỹ thuật... Tìm hiểu trên Internet, có cuốn sách nào hay mới phát hành nhưng ở thư viện không có, em nói bố mẹ nhờ người quen ở nơi khác mua về nhà để đọc. “Đọc sách để hiểu biết thêm kiến thức, giúp ích trong việc học tập và cho cuộc sống sau này!” – Ánh chia sẻ.
Còn cô sinh viên Lê Thị Bảo Trân (Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) cũng có niềm đam mê đọc sách từ lúc học phổ thông cho đến tận bây giờ. Bảo Trân cho biết, gia đình em ai cũng có thói quen đọc sách hằng ngày, nhà có cả một tủ sách to lớn với nhiều thể loại. Tất cả ba mẹ, anh chị và ngay cả bản thân Trân – khi tìm được cuốn sách nào hay thì lấy tiết kiệm bỏ heo đất để mua liền.
Theo Bảo Trân, qua quá trình đọc sách nhiều năm, các kiến thức “thu lượm” được từ những trang sách là rất lớn, giúp em hiểu biết thêm về thế giới xung quanh, về nhân tình thế thái, về kho tàng tri thức của nhân loại...
|
Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tỉnh Kon Tum lần thứ 4 tổ chức tại Đại học Đà Nẵng – Phân hiệu Kon Tum vào sáng 18/4, đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát đi thông điệp kêu gọi mọi người tích cực tham gia phong trào đọc sách để tiếp nhận tri thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người trong thời đại mới.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn mỗi người mỗi ngày đọc vài trang sách, mỗi tuần đọc một cuốn sách; khuyến khích việc xây dựng tủ sách gia đình, dòng họ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời, làm cho sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết, không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người.
Tin, ảnh: Quang Định