Rèn thói quen tự học trong đại dịch Covid -19
Thời điểm này, thầy và trò các trường học trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thành chương trình dạy và học những tuần đầu tiên của năm học mới 2021-2022. Cùng với những chia sẻ, cảm thông, biểu dương, khen ngợi nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy và học của ngành Giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vẫn còn xen lẫn những băn khoăn, lo lắng.
Nào là chất lượng việc dạy và học online chưa cao, nào là đường truyền không ổn định, học sinh thiếu phương tiện, học sinh không được học thêm ngoài các buổi học chính khóa, giáo viên khó kiểm soát học sinh, học sinh cũng thiếu đi sự tương tác, môi trường giao tiếp với thầy cô, bạn bè…
Phải khẳng định rằng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì những hình thức dạy và học các trường trên địa bàn tỉnh đang triển khai là cả một sự nỗ lực lớn, không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân, đặc biệt của các bậc phụ huynh. Sau 2 tuần dạy và học, các hình thức học tập (học online, học theo nhóm ở các khu dân cư…) linh hoạt triển khai tùy theo tình hình thực tế từng địa phương đã được các thầy cô giáo, các em học sinh dần quen. Và mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương các địa phương sau khi xác định địa bàn an toàn, không có nguy cơ dịch bệnh và kiểm soát được tình hình dịch bệnh có thể tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 20/9, đồng thời chủ động sẵn sàng các điều kiện để có thể chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức học tập khác trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng.
|
Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế của diễn biến dịch bệnh mà ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh sẽ thống nhất triển khai học tập ở hình thức nào, trực tiếp, trực tuyến hay dạy học theo nhóm… Điều này đồng nghĩa đòi hỏi các em học sinh và cả các bậc phụ huynh (đặc biệt với học sinh các lớp nhỏ) quan tâm hỗ trợ, nhắc nhở, xây dựng cho các em thói quen, kỹ năng tự học, độc lập suy nghĩ. Đây là giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mà còn cho chính tương lai của các em, dù trong bất cứ môi trường nào cũng có thể chủ động tự học để đạt kết quả cao.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, nhiều học sinh ít dành thời gian cho tự học. Với các em có hoàn cảnh khó khăn, thì ngoài buổi học chính khóa còn phải tham gia lao động phụ giúp gia đình nên ít quan tâm, ít có thời gian cho việc học. Còn với những học sinh ở vùng thuận lợi thì ngoài thời gian học chính khóa, học thêm ở trường vào ban ngày, chiều tối lại tiếp tục học thêm ở các cơ sở dạy thêm. Học thêm nhiều nơi, nhiều môn nên các em, đặc biệt các em bậc THCS, THPT rất khó phân bổ thời gian tự học trong quỹ thời gian 24 tiếng/ngày. Ít có thời gian tự học, tự suy nghĩ, tìm tòi, không ít em trở nên lười tư duy, thụ động, ít dành thời gian tra cứu các thông tin từ internet, đọc thêm sách báo để mở rộng vốn kiến thức, quay trở lại bổ trợ, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng học tập...
Từ năm 2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thống nhất thông qua Nghị quyết 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Nỗ lực đưa Nghị quyết 29 đi vào cuộc sống, ngành Giáo dục tỉnh ta triển khai đổi mới dạy và học theo mục tiêu đề ra, lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực các em và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Và thực tế cho thấy, học sinh chỉ có thể phát triển được phẩm chất, năng lực toàn diện, trở thành trung tâm khi bản thân các em phải không ngừng nêu cao ý thức tự học, tự nghiên cứu. Bởi tự học và thói quen tự học là một trong những yếu tố quan trọng nhất của giáo dục, không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả khi đã trưởng thành. Từ những định hướng, gợi mở của thầy cô, các em vươn xa hơn những bài học, biết cách tìm kiếm tri thức thông qua trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh, từ mạng internet, từ sách báo… Chỉ chừng nào học sinh nêu cao ý thức tự học sẽ hiểu được rằng, học không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm vui và say mê thì sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Năm học mới 2021-2022 đã bước đi những tuần đầu tiên. Để nâng cao chất lượng dạy và học, để chung tay góp sức cùng với nhà trường, với các thầy cô giáo vượt qua những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, các bậc phụ huynh cần có sự nhắc nhở, định hướng, tham gia xây dựng thời khóa biểu hợp lý, để các em học sinh cùng với việc tích cực học chính khóa (dù ở bất cứ hình thức nào: trực tiếp, trực tuyến hay học theo nhóm…) thì cũng cần phải nêu cao ý thức tự học là hết sức cần thiết.
Nguyên Phúc