Những người sống quanh tôi
Tôi muốn viết ít dòng về những bạn trẻ sống quanh tôi, đang tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm.
Đã thành truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về, nhiều người lại rủ nhau tham gia vào các hoạt động xã hội, các chương trình từ thiện, để chung tay góp sức cùng cộng đồng đem mùa Xuân đến cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em.
Có thể đó là một hoạt động tặng quà mang tính “nội bộ”, tự phát; có thể là một chương trình từ thiện quy mô do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức. Dù quy mô như thế nào đi nữa thì những hoạt động ấy đều mang đậm tình người.
Tôi biết, từ cách đây mấy năm, ở xóm mình có một số bạn trẻ cũng lập nhóm và tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Do điều kiện mỗi người một nghề mưu sinh, nên nhóm không tổ chức thường xuyên được, chỉ có thể tập trung vào dịp cuối năm, và các thành viên luôn tham gia đầy đủ.
Vì vậy, khi được trưởng nhóm Thịnh mời tham gia hoạt động thiện nguyện quyên góp áo ấm tặng trẻ em nghèo ở một xã vùng sâu, tôi đã hào hứng nhận lời ngay.
|
Lý do ư? Phần vì tôi rất thích và luôn sẵn lòng tham gia những hoạt động vô cùng ý nghĩa này. Phần vì hoạt động này do chính các bạn trẻ trong xóm tôi tổ chức.
Khi tôi đem mấy cái áo ấm mới, vừa tự mua, vừa vận động được, đến nhà Thịnh, thì mọi người đang bận tít mù với việc tiếp nhận, sắp xếp những phần quà. Thịnh khoe, hàng khá nhiều, chủ yếu là áo ấm và chăn đắp, từ nguồn ủng hộ có, từ tiền của nhóm góp vào mua cũng có.
Nhìn Thịnh tất bật chạy lui chạy tới kiểm tra các thùng quần áo, cẩn thẩn gấp lại tấm chăn bị bung ra, tỉ mỉ ủi lại ống tay áo ấm hơi nhàu, tôi không thể ghép Thịnh bây giờ với Thịnh ngày nào vào một được, dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy.
Phải nói rằng, Thịnh để lại trong tôi một ấn tượng khá đặc biệt. Thú thật là trước đây, tôi hơi “ác cảm” với một anh chàng ngổ ngáo, có chỏm tóc vàng hoe, nhà ở đầu xóm. Đó là Thịnh.
Anh chàng này làm cho một cửa hàng mộc dưới đường Trần Văn Hai, cũng có tiếng là thợ giỏi, chỉ mỗi cái ngang bướng, nóng tính, ăn nói có phần tục tĩu, văng mạng.
Nhưng dần dần cảm giác ấy tan biến, khi tôi chứng kiến những buổi trưa Thịnh lụi hụi một mình dọn rác trên con đường vào xóm, khơi thông rãnh nước; sửa lại mái nhà bị dột cho bà Nụ cuối xóm; đóng ông Địa trong màn múa lân của đám trẻ mỗi dịp Trung thu về. Bất cứ nhà ai trong xóm có việc, Thịnh sẽ đến sớm, giúp rất nhiệt tình.
Những ngày chống dịch Covid-19, chính anh chàng ấy lùng sục mua khẩu trang, nước rửa tay đem về tặng cho các gia đình. Rồi mua nhiệt kế điện tử về đo thân nhiệt cho cả xóm.
Nghe đâu anh ta rất quyết liệt trong việc ngăn vợ đi mua tích trữ hàng. “Ai cũng như em thì hàng hóa khan hiếm là phải”- anh ta cáu. Khi vợ hắn kể chuyện trên zalo của phố, mọi người đã vào like nhiệt tình.
Sau này trở nên thân thiết hơn tôi mới biết, thì ra Thịnh lại là người từng trải qua những ngày tháng tuổi thơ mồ côi cơ cực. Cuộc sống vốn nhiều cám dỗ và cạm bẫy, trong khi Thịnh lớn lên thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc, uốn nắn của gia đình, nên dễ sa ngã cũng là điều dễ hiểu.
Trong lúc quẫn bách nhất, đã có những bàn tay chìa ra với Thịnh, ấm áp và chân tình, giúp cậu làm lại cuộc đời. Và bây giờ trưởng thành, Thịnh luôn nặng lòng trăn trở về những hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, như là để trả nghĩa.
|
Nhìn những thùng hàng xếp ngay ngắn trong nhà Thịnh, tôi biết rằng, mọi người đã tốn nhiều công sức tiếp nhận, phân loại hàng ủng hộ từ nhiều người. Sau đó giặt giũ sạch sẽ, ủi phẳng phiu và gấp lại gọn gàng.
Khác với năm ngoái, nhóm em đi tặng quà tết cho bà con vùng sâu, gồm lương thực, nhu yếu phẩm (như bột ngọt, dầu ăn, đường, muối, mì tôm), năm nay, mọi người quyên góp, tặng áo ấm, chăn đắp, khăn len- nhóm trưởng Thịnh giới thiệu nhanh với tôi.
Thịnh kể: Trong chuyến đi tặng quà cho học sinh vùng sâu cuối năm ngoái, trong khi mọi người trong đoàn rất ấn tượng với tình cảm của bà con dân làng- những con người chân chất, thân thiện và giàu lòng mến khách- dành cho mình, thì riêng với em, cứ đau đáu với hình ảnh những em bé mong manh áo mỏng giữa tiết trời giá rét và đôi chân trần bước đi trên con đường gập ghềnh ven triền núi.
Hôm ấy, thời tiết có mưa phùn, từng đợt gió núi thổi qua làm ngay cả người lớn mặc hai ba lớp quần áo còn đôi khi run vì lạnh. Bác trưởng thôn cứ nắm tay Thịnh nói: Rất vui khi các cháu đến tặng quà tết, nhưng thật lòng, ở đây gạo ăn không thiếu, nhưng bà con cần áo ấm, chăn đắp hơn.
Những hình ảnh ấy, câu nói ấy cứ ám ảnh, thôi thúc em hành động. Vì vậy, năm nay, nhóm chủ động liên hệ sớm với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội để vận động quyên góp, hỗ trợ quần áo ấm cho người- Thịnh tâm sự.
Bên cạnh đó, nhóm bạn còn gây quỹ bằng việc mỗi thành viên đóng góp một khoản tiền nhất định hàng tháng. Đáng trân trọng là hầu hết đều không khá giả gì, nhưng như Thịnh nói “vẫn hơn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn”.
Rất vui là họ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người, không chỉ trong xóm, mà ở các nơi khác. Riêng các gia đình trong xóm tôi đều đóng góp nhiệt tình, từ người lớn đến trẻ em.
Cùng những người xung quanh, tôi cẩn thận xếp những tấm áo ấm vào thùng carton. Thịnh thủ thỉ: Cứ nghĩ đến việc được tận tay khoác áo ấm cho những trẻ em nghèo là em thấy như đang trao hơi ấm tình người giữa mùa đông giá lạnh anh ạ.
Tôi tin rằng, ai cũng có cảm giác như vậy!
Còn về phần mình? Tôi càng trân trọng những tấm lòng của các bạn trẻ. Xuân đang đến gần bằng từng hoạt động và tấm lòng nghĩa tình ấy.
Và tôi thầm mong rằng, mỗi người hãy thực hiện những hoạt động ý nghĩa như thế này, như những bạn trẻ sống quanh tôi đây, để đâu đâu cũng có mùa Xuân.
Thành Hưng