Lặt lá mai
Khi tháng Chạp đến, những nhà vườn trồng mai bắt đầu thời gian bận rộn với việc lặt lá, để cây đơm nụ, cho hoa đúng dịp Tết.
Mấy hôm nay, gọi điện thoại về nhà lần nào cũng nghe má nói: Ba con đang ở ngoài vườn, chỗ mấy gốc mai ấy. Ngày nào cũng như vậy, chăm mai còn hơn cả chăm bản thân mình.
Nghe vậy, tôi như thấy rõ hình ảnh ba đang lúi húi bên những gốc mai. Một hình ảnh quen thuộc mà thân thương đã in đậm trong trí nhớ tôi từ khi còn thơ ấu.
Giống như bao gia đình khác ở quê tôi, ba trồng mấy gốc mai trong vườn nhà. Mai không phải dễ trồng, nên phải chăm cả năm chứ chẳng phải chờ đến những ngày cuối năm. Tết năm trước vừa ra Giêng là ba lo lặt hết mấy nụ còn lại bỏ đi để tránh làm cây mất sức, rồi thay đất dưỡng cây.
Cây mai là loài cây không phải dễ trồng, dễ chăm sóc, vì vậy, nếu không biết cách thì cây sẽ không cho hoa đúng dịp Tết. Việc hoa mai nở sớm hay muộn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó công đoạn lặt lá mai của nhà vườn cũng là một phần cực kỳ quan trọng.
|
Khi tháng Chạp đến, không chỉ những nhà vườn trồng mai, mà ba cũng phải canh thời điểm lặt lá mai sao cho mấy cây mai nhà cho nụ đúng dịp. Công đoạn này được cho là khó nhất, không phải ai cũng có thể làm được, vì chỉ cần canh lệch thời gian chút là năm đó mai sẽ bị nở sớm hoặc muộn so với tết.
Lặt lá mai nhằm giúp cây mai tập trung dinh dưỡng đơm nụ, phát triển mầm hoa lớn nhanh. Bởi thế, nhiều cây mai khi đang còn lá, không thấy nụ hoa đâu, nhưng vừa lặt lá xong thì vài hôm sau trên cành đã chi chít nụ.
Tất nhiên, cũng không nhất thiết phải đúng vào một ngày nào đó, mà nhiều nhà vườn, bằng kinh nghiệm của mình, rồi cả việc canh thời tiết nắng, gió, lạnh như thế nào để có thể lặt lá mai sớm hay muộn hơn một chút.
Bác tôi, có cả một vườn mai, chẳng phải kinh doanh buôn bán gì, chỉ là thú vui tiêu khiển, nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm trồng mai, Tết năm nào vườn mai nhà bác cũng rực rỡ sắc hoa khiến ai cũng trầm trồ vì cây cho hoa đẹp, vì tài chăm sóc cây của bác.
Bác nói: “Chăm mai đã khó, nhưng thời điểm và kỹ thuật lặt lá mai làm sao cho cây đơm nụ cho hoa đúng tết mới là điều khó hơn”.
Nói về kỹ thuật lặt lá mai, bác chia sẻ, mỗi nhà vườn một kiểu. Nhưng kinh nghiệm của bác thì trước khi lặt lá mai nên dừng tưới nước cho cây vài ngày để cây quen dần với việc thiếu nước khi trút hết lá.
Sau khi lặt lá mai xong thì tiến hành tưới nước, bón phân cho cây. Lúc này do bị thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ đột ngột khiến cây sẽ “tức”, kích thích những mầm nụ lớn nhanh hơn.
Một kinh nghiệm của bác chia sẻ nữa là, sau khi lặt lá mai là phải thay đổi thời gian tưới nước cho cây hoa. Thông thường, nhà vườn sẽ tưới nước cho cây mai vào buổi sáng thì nên chuyển thời gian vào buổi trưa, khi ấy sẽ kích thích nụ hoa phát triển mạnh hơn, dễ bung nở hơn.
|
Bác tôi tự hào lắm mỗi khi nói về vườn mai của mình. Tết năm nào, từng chậu mai trong vườn nhà bác cũng cho nụ dày đặc, nụ nào nụ nấy to tròn, nở đúng dịp Tết. Anh em, con cháu trong nhà có mai trong vườn nhưng không nở đúng Tết, bác đều gọi đến chở vài chậu về chơi tết. Có gia đình con, cháu bận rộn, không chăm được mai, qua Tết đã chở chậu cây sang gửi bác chăm giúp, đến tết canh cây nào đúng Tết mà đẹp thì chở về nhà trưng. Điều đặc biệt là nếu không gửi bác thì thôi, chứ gửi rồi thì bác canh chuẩn lắm, gần như cây nào cũng nở đúng Tết.
Kinh nghiệm của bác là hoa mai sau Tết vài ngày là phải mang ra thay đất, cắt tỉa hết bông nụ, cành để dưỡng sức cho cây ngay. Bác nói, một mùa hoa mai, cây mất sức lắm, vì nụ chi chít, hoa thì vàng rực cây. Cây trồng ngoài đất còn đỡ, chứ cây trồng trong chậu càng dễ kiệt sức hơn, vì khi ấy chất dinh dưỡng nhà vườn cung cấp cho cây cũng giới hạn, chứ không phải muốn bao nhiêu cũng được. Vì vậy, tốt nhất là sau Tết vài ngày, lo lặt hết nụ, hết hoa và cắt tỉa một số cành dư để tập trung nuôi cây.
“Nhiều nhà thấy cây vẫn còn cho hoa đẹp, cứ để ra đến ngoài Giêng, cây sẽ yếu sức”- bác nói.
Năm nay, thời tiết mưa lạnh nên từ đầu tháng Chạp, bác tôi đã lặt lá mai xong đâu vào đấy. Nhìn thấy bác lặt lá mai, các gia đình trong xóm tôi cũng bắt đầu đua nhau lặt lá mai trong vườn nhà mình. Dù vậy, nhiều nhà vẫn phấp phỏng, vì những năm trước cũng lặt lá mai cùng thời điểm với bác nhưng không phải năm nào cây mai vườn nhà họ cũng trúng Tết. Nhiều nhà thấy thế lại thắc mắc, tôi nghe bác giải thích, còn phải phụ thuộc vào cách chăm sóc, khả năng sinh trưởng của cây, rồi cách tưới nước cho cây hoa nữa. Nói chung, chăm mai đâu phải dễ.
Còn không bao nhiêu ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, các nhà vườn trồng mai đang tất bật từng ngày. Vườn mai của ba tôi, của bác tôi dù không kinh doanh nhưng cũng bận rộn lắm, nào là tập trung tưới nước, bắt sâu… Hy vọng một mùa hoa mai sẽ nở đúng Tết để chào đón mùa Xuân mới vui tươi.
Sông Côn