Phụ nữ Kon Hngo Klah gìn giữ nghề dệt thổ cẩm
Hiện nay, nhiều phụ nữ ở thôn Kon Hngo Klah (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) đang gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na). Các sản phẩm thổ cẩm do chính tay những phụ nữ nơi đây dệt và làm nên có hoa văn tinh xảo, đẹp mắt, chứa đựng nét đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Rơ Ngao.
Người đầu tiên ở thôn Kon Hngo Klah mà chúng tôi đến thăm nhà là nghệ nhân Y Ya- đây là nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề dệt thổ cẩm giỏi nhất nhì ở thôn. Khi chúng tôi đến nhà, nghệ nhân Y Yal đang mải mê dệt tấm thổ cẩm dang dở, những đường nét hoa văn đã hiện lên khá đẹp.
Nghệ nhân Y Yal đã 68 tuổi, để dệt thổ cẩm bà phải đeo kính vì đôi mắt không còn nhìn rõ. Dẫu “tuổi già, mắt yếu”, nhưng đôi tay của bà vẫn khéo léo, luồn sợi dệt hoa văn nhanh nhẹn và điêu luyện.
|
Vừa nhanh tay dệt thổ cẩm, vừa tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân Y Yal kể rằng, bà biết dệt thổ cẩm từ lúc 12 tuổi, thời điểm ấy, ở thôn Kon Hngo Klah, những người bạn nữ đồng trang lứa với bà hầu hết đều biết dệt thổ cẩm. Mọi người theo chân các mẹ, các cô, các dì trong gia đình vào rừng, lên rẫy, hái bông về làm sợi, nhuộm màu rồi dệt thành những tấm thổ cẩm. Thấm thoắt qua hàng chục năm, nhưng những ký ức về nghề dệt vẫn in đậm trong lòng nghệ nhân Y Yal. Giữ nghề truyền thống, nghệ nhân Y Yal luôn duy trì việc dệt thổ cẩm và tích cực truyền dạy cho con, cháu trong gia đình.
Bà Y Quy (SN 1972, con gái của nghệ nhân Y Yal), cũng là người dệt thổ cẩm giỏi trong thôn Kon Hngo Klah, cho biết, mẹ bà- nghệ nhân Y Yal có tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với nghề dệt thổ cẩm và rất khéo tay. Bà là một trong số ít các nghệ nhân dệt được nhiều hoa văn tinh xảo với màu sắc rực rỡ và dệt những hình ảnh khắc họa cảnh vật, muông thú, câu chuyện về đời sống sinh hoạt của các thế hệ người Rơ Ngao ở thôn Kon Hngo Klah lên tấm thổ cẩm.
Là bạn thân, gắn bó với nghệ nhân Y Yal từ lúc còn bé cho đến nay, nghệ nhân Y Aol ở thôn Kon Hngo Klah chia sẻ, nghệ nhân Y Yal dệt thổ cẩm rất giỏi, biết sáng tạo để làm nên những bộ trang phục truyền thống đẹp cho người lớn và trẻ em của cả nam và nữ, gồm váy, áo và khố, khăn choàng, ruy băng, túi xách.
Bà Phạm Thị Thúy Diễm- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho hay, thôn Kon Hngo Klah hiện nay có hơn 20 phụ nữ đang gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó, các nghệ nhân lớn tuổi, gồm Y Yal, Y Aol, Y Pal và những phụ nữ trưởng thành, như Y Quy, Y Ái là những người có nhiều kinh nghiệm, hoa tay và thường xuyên dệt thổ cẩm. Những nghệ nhân lớn tuổi đều nỗ lực trao truyền lại nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Những phụ nữ trưởng thành trong thôn Kon Hngo Klah cũng có nhiều cố gắng cùng với những nghệ nhân lớn tuổi gìn giữ, phát huy nghề dệt để có thêm nguồn thu nhập và quảng bá nét đặc trưng trong thổ cẩm của người Ba Na Rơ Ngao đến với mọi người.
|
“Năm 2019, qua đề xuất của nghệ nhân Y Yal, UBND xã Ngọc Bay đã hỗ trợ phụ nữ ở thôn Kon Hngo Klah và thôn lân cận là Măng La (cùng thuộc xã Ngọc Bay) thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Tổ hợp tác khi thành lập có 10 thành viên, gồm 5 thành viên của thôn Kon Hngo Klah và 5 thành viên của thôn Măng La. Các thành viên của tổ hợp tác phần lớn là nghệ nhân, phụ nữ lớn tuổi”- bà Diễm cho biết.
Giới thiệu về các sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ngọc Bay, bà Y Quy- Tổ trưởng nói, các sản phẩm đều được làm thủ công, 1 sản phẩm có thời gian dệt và làm từ 2-3 tuần, có sản phẩm mất hơn 1 tháng mới hoàn thành. Các thành viên dệt và làm sản phẩm thổ cẩm tại nhà, khi có người mua sản phẩm lẻ hay đặt hàng với số lượng nhiều, các thành viên đều giới thiệu và hỗ trợ nhau làm. Đến nay, các sản phẩm thổ cẩm của tổ hợp tác dần được nhiều người biết đến và tìm mua, các sản phẩm cũng đang được giới thiệu và bán tại chợ phiên của xã Ngọc Bay, diễn ra vào ngày 13 hằng tháng.
Bà Diễm đánh giá, tổ hợp tác dệt thổ cẩm của xã được thành lập trên tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên, qua đại dịch Covid-19, tổ hợp tác dần đi vào hoạt động ổn định. Hỗ trợ tổ hợp tác hoạt động, UBND xã Ngọc Bay đã hướng dẫn và giúp 3 thành viên trong tổ vay vốn để phát triển nghề dệt với số tiền 30 triệu đồng mỗi hộ; hàng năm, UBND xã đều xây dựng kế hoạch phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch văn hóa và truyền dạy lại nghề cho lao động trẻ trên địa bàn.
Đức Thành