Phát huy vai trò già làng, người có uy tín vùng đồng bào DTTS
Với mỗi thôn, làng của đồng bào DTTS ở Kon Tum, già làng là đại diện tiêu biểu cho cộng đồng dân cư giải quyết các công việc, là trung tâm đoàn kết. Với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, già làng và người có uy tín là “cầu nối” quan trọng trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước...
“Như cây kơ nia vững chãi”
Là lời khen tặng của dân làng Đăk Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) dành cho già làng A Djon khi chúng tôi hỏi thăm về ông.
Đi trên con đường dẫn vào làng được bê tông hóa phẳng lì, anh Lê Thanh Hùng - Phó Phòng Dân tộc huyện Đăk Tô cũng khen: Đường về làng Đăk Lung đẹp như thế này phải kể đến công của già làng A Djon đấy.
Hỏi ra mới biết, từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, già A Djon đã rất tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động dân làng tích cực góp công sức, hiến đất, hoa màu để làm đường. Bản thân gia đình già A Djon còn làm gương xây tường, rào, cổng ngõ sạch đẹp khiến nhiều hộ gia đình nơi đây cũng học hỏi và làm theo…
Già làng A Djon nổi tiếng làm kinh tế giỏi ở làng Đăk Lung. Mới dọn rẫy xong nên hôm nay già được thảnh thơi ở nhà. Những ngày cuối tháng 3, nắng cứ hầm hập, nhưng vườn nhà già A Djon mát rượi bóng cây. Mời khách vào nhà uống nước, già cho biết năm nay đã được 67 tuổi rồi và đã có đến 16 năm được bà con tín nhiệm bầu làm già làng.
Nghe vậy, chúng tôi hỏi vui: Vậy làm già làng hiện nay có khó khăn lắm so với trước đây không, già ơi? Già A Djon hóm hỉnh: Khó chứ! Nếu không khó thì ai cũng có thể làm già làng được mà. Đừng nghĩ làm già làng chỉ cần nói hay đâu nhé, còn phải nói đúng, làm giỏi nữa.
|
Nói về vai trò của già làng trước đây cũng như hiện nay, già làng A Djon cho rằng: Xưa cũng như nay, già làng không thể do một ai đó hoặc một nhóm người nào đó tự đưa lên mà do chính dân làng bầu chọn. Già làng chịu trách nhiệm đứng ra xử lý theo luật tục các vấn đề tranh chấp, phát sinh trong cuộc sống cũng như vận động bà con dân làng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vì vậy, phải là những người có uy tín cao trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, nếu như trước đây việc phân xử các vụ việc trong làng, già làng cứ việc chiếu theo luật tục và bằng sự công tâm, khách quan của mình, thì ngày nay, muốn phân xử hay hòa giải điều gì, bên cạnh theo luật tục, còn phải theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, già làng ngày nay ngoài uy tín và am hiểu luật tục còn phải có hiểu biết về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, như vậy mới có thể tuyên truyền, vận động bà con dân làng nghe theo, làm theo - già A Djon bộc bạch.
Để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, già A Djon luôn tích cực tham gia các buổi hội họp tại thôn (làng), chịu khó đọc báo, xem ti vi. Già A Djon cho rằng bản thân mình phải trang bị kiến thức, cập nhật thông tin thời sự mới có thể giải quyết thấu tình đạt lý những vấn đề phát sinh ở làng.
Kể chuyện bà con dân làng Đăk Lung xây dựng nông thôn mới, già Djon cho biết: Trước đây, người dân địa phương và ngay cả già đây chỉ nghĩ việc làm đường, xây trường là của Nhà nước, vì dân lấy đâu ra tiền mà làm những việc to tát… Thế nhưng, qua báo, đài, rồi được cán bộ các cấp tuyên truyền, già đã hiểu ra đây là việc chung, chính người dân được hưởng lợi từ các công trình nên không thể chỉ ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước mà phải cùng tham gia đóng góp. Từ đó, già luôn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội dựa trên khả năng của mình, thông qua bàn bạc thống nhất chung. Không chỉ thông qua các buổi họp làng, già còn đến từng nhà để vận động, giải thích nữa.
Và những tấm bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển các DTTS, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi làm kinh tế giỏi… mà già A Djon được tặng chính là những bằng chứng về đóng góp của ông đối với làng Đăk Lung.
Cầu nối giữa dân với Đảng
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của già làng nên hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có những cách làm hay để khơi dậy và phát huy tốt vai trò của già làng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Theo bà Phạm Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, trong thời gian qua, Đăk Hà luôn xác định đội ngũ già làng, người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Các già làng chính là hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết ở cộng đồng dân cư; có vai trò đặc biệt trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương, triển khai xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn làng văn hóa… Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với già làng, người có uy tín ở khu dân cư, không để họ “đứng ngoài cuộc” trong triển khai tất cả các phong trào ở địa phương.
Còn ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô chia sẻ: Ở huyện Đăk Tô, nhờ các cấp, các ngành làm tốt công tác phối hợp với già làng, người có uy tín trên địa bàn mà 41 vị già làng đang sinh sống tại 67 thôn làng đồng bào DTTS toàn huyện đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho địa phương về những vấn đề ở cơ sở. Đội ngũ già làng tích cực giúp các cấp chính quyền nắm bắt tâm tư của dân, giải quyết kịp thời những bức xúc trong dân, giảm được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại của bà con đồng bào DTTS.
Ông Ka Ba Thành – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận xét: Ngày nay, cùng với sự phát triển và giao thoa về văn hóa, nhiều người cho rằng vai trò, sức ảnh hưởng của già làng ở các làng đồng bào DTTS bị suy giảm. Nhưng khảo sát thực tế, chỉ trừ một số già làng không được bầu chọn là người uy tín (vì chưa răn dạy được con cháu hay một lý do khách quan nào đó), còn lại tiếng nói của già làng vẫn đóng vai trò quan trọng quyết định đối với các sự kiện quan trọng ở làng.
Bởi hơn ai hết, già làng và người có uy tín có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội. Bằng uy tín, sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, họ có khả năng vận động, thuyết phục, truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị, đề xuất của dân làng để phản ánh với các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Với những việc làm rất thực tế và có hiệu quả ấy, trong những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trong tỉnh- ông Ka Ba Thành nhấn mạnh.
Tú Quyên