Ổn định dân di cư tự do
Là một tỉnh đất rộng, người thưa, Kon Tum có số lượng dân di cư tự do khá lớn. Việc ổn định dân di cư tự do là vấn đề quan trọng đặt ra ở địa phương.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc dân di cư tự do từ nơi này đến nơi khác để mưu cầu cuộc sống mới tốt đẹp hơn dường như là một tất yếu. Thấy được vấn đề này, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để kiểm soát và ổn định di dân tự do.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh ta triển khai nhiều dự án ổn định dân di cư tự do. Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính từ năm 2005-2016, số lượng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh là 7.243 hộ, 21.708 khẩu. Để kiểm soát và ổn định dân di cư tự do, từ năm 2006-2010, tỉnh Kon Tum thực hiện 4 dự án đầu tư sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Theo đó, tỉnh đã ổn định tại chỗ cho 2.275 hộ, 6.825 khẩu; tái định cư tập trung cho 44 hộ, 132 khẩu. Số hộ còn lại là 4.924 hộ, 12.051 khẩu ở xen ghép, rải rác với dân tại chỗ cũng được các địa phương tạo điều kiện cho nhập hộ khẩu và hưởng các chính sách như dân tại chỗ.
Theo dự báo, số hộ dân di cư tự do giai đoạn 2016-2020 khoảng 5.000. Trước yêu cầu đặt ra, tỉnh quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2025. Theo đó, nguồn vốn kế hoạch được trung ương giao năm 2016 để thực hiện Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng biên giới huyện Sa Thầy 14,78 tỷ đồng và Dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà 9,65 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đầu tư cho 2 dự án này chủ yếu làm đường giao thông nông thôn, san lấp mặt bằng và điện thắp sáng.
Mặt tích cực của dân di cư tự do là góp phần điều hòa, bổ sung nguồn lao động, đem trình độ canh tác tiến bộ hơn đến với người dân tại chỗ, góp phần giúp người sở tại học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tạo ra sự canh tranh lành mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai ở địa phương; đồng thời góp phần giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân tại vùng biên giới. Tuy nhiên, mặc trái là dân di cư tự do gây ra vấn đề nan giải trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất và sang nhượng đất trái phép.
|
Theo đánh giá, tổng nhu cầu vốn để ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2017-2020 là rất lớn. Để tạo điều kiện cho người dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục chỉ đạo các tỉnh có dân di cư phối hợp với các địa phương nơi có dân đến để có các giải pháp kịp thời ổn định đời sống cho dân; hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai thực hiện xây dựng Dự án nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân di cư tự do.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dự án sắp xếp dân cư được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng để bố trí sắp xếp dân cho khoảng 2.650 hộ trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Hà, Sa Thầy và Ia H’Drai. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên số vốn bố trí cho các dự án rất thấp, có dự án chưa được bố trí vốn.
Dự kiến kế hoạch trung hạn 2016-2020 có 3 dự án (Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng biên giới huyện Sa Thầy; quy hoạch bố trí dân cư xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà; bố trí sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei) được bố trí 55,54 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện. Nhu cầu vốn còn thiếu để thực hiện 3 dự án trên khoảng 144 tỷ đồng.
4 dự án còn lại (Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn huyện Kon Plông; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn huyện Tu Mơ Rông; xây dựng điểm dân cư xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai; bố trí sắp xếp dân cư tại Đăk Tân, huyện Kon Rẫy) chưa có vốn để bố trí triển khai thực hiện. Trong việc này, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để triển khai thực hiện.
Việc ổn định dân di cư tự do sẽ tạo điều kiện cho tỉnh phát triển ổn định và bền vững hơn.
Đào Nguyên