Tết trồng cây- mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta
Kể từ ngày toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tết trồng cây (6/1/1960) đến nay, Tết trồng cây đã trở thành mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Và mỗi độ Xuân về, người người, ngành ngành lại hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tết trồng cây để tưởng nhớ tới công ơn của Người và góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn quan tâm nhắc nhở cán bộ và nhân dân chăm lo trồng cây gây rừng, gắn với việc chăm lo trồng người.
Người viết: “Mùa Xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Đã từ lâu, câu thơ của Bác Hồ kính yêu đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi độ Xuân về, “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Hưởng ứng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây, trong những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến việc tổ chức Tết trồng cây. Việc triển khai tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ hàng năm đã được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp, đạt được kết quả tích cực, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng, từ đó phong trào trồng cây, trồng rừng được nâng cao.
|
Việc tổ chức Tết trồng cây không những hết sức có ý nghĩa về một mỹ tục, một truyền thống cao đẹp mà còn góp phần giữ gìn và nâng cao được diện tích che bóng của cây xanh trong các cơ quan, đơn vị, các công viên và các cụm dân cư trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, nâng cao được tỷ lệ cây xanh/người, góp phần cho việc nâng cấp, làm đẹp cho đô thị, đảm bảo tiêu chí nông thôn mới và nâng cao độ che phủ của rừng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu thực hiện Tết trồng cây, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Đề án phát triển lâm bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 trồng mới được 15.000ha rừng và 3 triệu cây xanh phân tán. Riêng trong hai năm 2023-2024, tỉnh ta đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao trồng mới hơn 4.200 ha rừng và hơn 700.000 cây phân tán.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025; ngày 26/12/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị số 9892 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, động viên các cấp, các ngành và huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của địa phương trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Thời điểm tổ chức phát động“Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19 tháng 5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương hết sức quan tâm trồng cây xanh trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng hiệu quả, duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Để triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 9892, ngày 26/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỉnh ta đang xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả việc tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ trong thời gian sắp tới.
Trong “Di chúc”, Bác để lại muôn vàn tình thương cho cán bộ và nhân dân ta, và đau đáu mối quan tâm phát triển kinh tế đồi, rừng. Bác thấu hiểu khi nhiều nơi vẫn diễn ra nạn phá rừng và khai thác rừng bừa bãi gây ra hậu quả và hệ lụy khôn lường. Từ đó Bác căn dặn “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Tết trồng cây đã trở thành mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của nhân dân và cán bộ trong tỉnh ta. Và mỗi độ xuân về, người người, ngành ngành lại ra sức hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây để tưởng nhớ tới công ơn của Bác Hồ kính yêu.
Dương Đức Nhuận