Những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
Cô giáo Đặng Thị Hoa (Trường Tiểu học THSP Nguỵ Như Kon Tum) và Nguyễn Thị Hồng Diễm (Trường THCS THSP Lý Tự Trọng), được đánh giá là những giáo viên giỏi tiêu biểu cấp tỉnh năm học 2016-2017. Bằng tấm lòng yêu nghề, niềm hăng say sáng tạo trong đổi mới phương pháp giáo dục, các chị đã vượt qua 629 đồng nghiệp dạy giỏi khác, để đạt thành tích cao nhất tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ VIII vừa qua.
Cô giáo dạy giỏi tiêu biểu của mô hình VNEN
Cô Đặng Thị Hoa - giáo viên Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum đã vượt qua 100 đồng nghiệp cấp tiểu học cùng tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi do Sở GD&ĐT tổ chức với số điểm cao nhất 47,5 trên tổng thang điểm 50, dành cho 3 phần thi: năng lực sư phạm và 2 tiết dạy bắt buộc, tự chọn ở lớp.
Cô Hoa cho biết, tham dự Hội thi, cá nhân thực hiện 1 tiết dạy bắt buộc ở môn Toán bài “Phép nhân phân số” và 1 tiết tự chọn môn tiếng Việt lớp 4 “Vẻ đẹp cuộc sống”. Theo yêu cầu của Ban tổ chức hội thi, cô đã bốc thăm trúng tiết dạy cho học sinh khối 4 ở các trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Kon Tum).
Cô chia sẻ, bản thân đã tham gia tập huấn, thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay. Những kinh nghiệm trong phương pháp đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm được cô vận dụng tích cực. Vài ngày trước khi bước vào tiết dạy giỏi, cô đã có 10 phút đến ngôi trường mới làm quen, nắm thông tin cơ bản về tình hình học tập, năng lực tiếp thu của học sinh ở lớp được chọn tham gia tiết dạy thi của mình. Lúc này, khó khăn ở chỗ, đối tượng học sinh ở lớp đa dạng, khoảng 14% em là người dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật trí tuệ thể nhẹ.
|
Khi chủ động nắm bắt được đối tượng học sinh, cô đã dồn hết kinh nghiệm, kiến thức tích lũy từ các chương trình tập huấn, tham gia dạy thành công trực tiếp trước đó về giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, để soạn thảo nhiều phần xử lý tình huống, chuẩn bị thật kỹ phương án, nội dung hỗ trợ cho học sinh nắm bắt kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Trong đó, phần soạn các câu hỏi dành cho học sinh đạt năng lực học tập khá giỏi có thể dài hơn, trừu tượng cao hơn; đối với học sinh có mức tiếp thu, năng lực học tập trung bình thì câu hỏi ngắn, gợi mở nhỏ từng phần bài học. Cô đặt ra các yêu cầu Hội đồng quản trị lớp học hỗ trợ điều hành mỗi phần việc; ở từng đội (nhóm) đề nghị mỗi thành viên quan tâm tương tác, giúp bạn có hoàn cảnh đặc biệt cùng hòa nhập, hoàn thành các nội dung liên quan bài học...
Cô chú tâm soạn giáo án và chuẩn bị đồ dùng dạy học, các thiết bị hỗ trợ khác cho bài học: biên soạn, sáng tạo lồng ghép các trò chơi, câu hỏi đố vui, phỏng vấn – trả lời trực tiếp; trình chiếu trực quan tranh ảnh, đồ dùng dạy học tự làm vào từng công đoạn hỗ trợ bài học ở lớp.
Ngoài ra, những sản phẩm tự làm, sưu tầm của học sinh góp phần xây dựng tiết học tích cực, cũng được cô giáo đưa vào giới thiệu… góp phần khuyến khích học sinh phát huy sự năng động, sáng tạo, tự tin nắm bắt, nâng cao kiến thức đã học.
Theo cô Hoa, với phương pháp học tập mới VNEN, giáo viên luôn luôn di chuyển trong không gian lớp học, quan sát, khơi gợi và tham gia các hoạt động cùng học sinh. Kết thúc mỗi tiết học, chính các em là chủ thể tham gia nhận xét hoạt động tiết học với một số câu hỏi được in sẵn, hoặc có quyền ghi những suy nghĩ, lời nhắn, cảm nhận cá nhân chuyển đến hộp thư giáo viên và thành viên khác ở lớp học… đã góp phần đánh giá trung thực tiết dạy học của giáo viên.
Nhận xét về cô giáo Đặng Thị Hoa, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum cho biết, cô Hoa là người nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc. Với học sinh, cô Hoa luôn là người bạn lớn tận tâm chăm chút, tỉ tê trò chuyện, động viên, giúp đỡ các con rèn luyện từng nét chữ, hướng dẫn thực hành từng bài tập nhỏ đến tiến bộ mỗi ngày.
Truyền lửa đam mê học môn Lịch sử
Cũng như cô Hoa, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Diễm – giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THCS THSP Lý Tự Trọng (thành phố Kon Tum) đạt số điểm cao nhất 38 trên tổng thang điểm 40, dành cho 2 tiết dạy thi bắt buộc và tự chọn, đối với giáo viên đăng ký thi dạy giỏi cấp THCS tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ VIII.
Với tiết dạy giỏi về bài học “Khởi nghĩa Yên Thế” khối lớp 8, cô Diễm đã thực hiện soạn bài giảng dưới hình thức trình chiếu Powerpoint khá công phu, đáp ứng tất cả các điều kiện chuẩn kiến thức, mở rộng liên hệ thực tế cho học sinh.
Trong tiết học này, các em học sinh được tiếp xúc trực quan lẫn tư duy bằng những tranh ảnh, đoạn phim tư liệu có đủ âm thanh, tiếng động, lời bình, lời dẫn gắn với thân thế nhân vật, sự kiện, diễn tiến lịch sử của bài học… Kết thúc bài học, học sinh được tham gia các trò chơi đố vui để học, đặt câu hỏi và trả lời lời câu hỏi củng cố kiến thức, liên hệ thực tế.
Ban tổ chức đánh giá tiết dạy đạt loại giỏi 19,5/20 điểm, với sự đầu tư nghiêm túc, đạt chất lượng cao về chuyên môn, năng lực xử lý tình huống và hỗ trợ học sinh nắm vững kiến thức cơ bản.
|
Theo cô Diễm, kết quả trên là những nỗ lực qua 20 năm tích lũy kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử dành cho học sinh ở các khối học THCS. Cô luôn cố gắng tìm tòi phương pháp truyền đạt mới cho học sinh, mục đích làm sao tránh khô khan, trừu tượng, khó học và thuộc dạng môn học phụ ở nhà trường.
Cô cho hay, cô đã nhiều năm tự nghiên cứu, sưu tầm các tranh ảnh, những thước phim tư liệu ghi hình chân thực từng sự kiện và có cả liên hệ thực tế đối với bài học lịch sử cụ thể. Sau đó, cô tự mày mò nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, tự ghi lại âm thanh đọc lời dẫn, trích đoạn lời bình và lồng ghép, cắt dán hình ảnh, phim tư liệu để sắp xếp lôgic theo diễn biến sự kiện, lý thuyết bài học.
Để có các tư liệu sống đắt giá, đảm bảo tính chính thống và đúng tinh thần giáo dục môn Lịch sử trong nhà trường, cô đã nhờ nhà trường, đồng nghiệp và bạn bè thời học đại học khắp cả nước, giới thiệu tìm đến bảo tàng, thư viện tổng hợp trong, ngoài tỉnh. Cô Diễm còn nói, người bạn lớn “Google” cũng song hành thời gian qua, giúp cô kết nối các các thư viện online, các bài báo hàn lâm và được phép miễn phí khai thác tư liệu quý giá của các nhà sử học trong nước, viết về lịch sử Việt Nam và thế giới.
Cứ thế, qua năm tháng, cô đã tích cóp được nguồn tư liệu phong phú cho các bài giảng Lịch sử cấp THCS. Thông qua phương pháp đổi mới giáo dục, tiết học Lịch sử của cô gần như áp dụng 100% bài giảng trên giáo án điện tử, có từng phần lý thuyết và lồng ghép các sự kiện với các lược đồ, thước phim tư liệu dần hiện lên sống động, rất riêng do cô “đạo diễn”.
Cô kể, sau các tiết học Lịch sử sống động đấy, nhiều em đã phát biểu với giáo viên: Hóa ra, lịch sử của đất nước Việt Nam mình, là những gì đang hiện hữu quanh em, như lũy tre bình dị là vũ khí đánh giặc gắn bó lâu đời qua nhân vật Thánh Gióng; chiếc xe đạp bình thường đã từng làm phương tiện chở vũ khí, lương thực phục vụ chống giặc ngoại xâm thời hiện đại…
Niềm vui và tự hào của cô Diễm còn thể hiện ở sự đam mê, yêu thích học môn Lịch sử của các em học sinh ở Trường THCS THSP Lý Tự Trọng. Qua các năm, số em đăng ký chọn môn học này để bồi dưỡng trở thành học sinh giỏi thi cấp thành phố, tỉnh ngày càng tăng. Riêng năm học 2016 – 2017 này, bản thân cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh tiêu biểu và 3 học sinh được cô bồi dưỡng thi học sinh giỏi cũng đạt 2 giải Ba, Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh.
Mai Trâm