Nhớ mãi bản hùng ca trên tháp pháo
45 năm đã trôi qua nhưng ông A Tủi, A Nhoa ở khối phố 5, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô chưa bao giờ quên những ngày tham gia trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh. Trên mảnh đất đã thay da đổi thịt, hai ông vẫn nhớ rõ từng bước chân hành quân, từng địa điểm đào hầm cách mạng, từng khu căn cứ của bộ đội; nhớ mồn một cái ngày đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết trong trận chiến khốc liệt năm 1972. Với hai ông, trận chiến Đăk Tô, Tân Cảnh vừa dữ dội, vừa ác liệt nhưng oanh liệt như một bản hùng ca trên tháp pháo.
Lật lại kí ức, ông A Tủi, A Nhoa hùng hồn kể: Sau 3 ngày, 3 đêm không ăn, không ngủ, vượt qua bao nhiêu bom, mìn của địch, khoảng 11h trưa 24/4/1972, bộ đội ta đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên cứ điểm Đăk Tô. Không thể diễn tả được cảm xúc khi ấy, vui mừng, hạnh phúc đến không nói nên lời, nhiều đồng đội vừa mừng, vừa tủi mà nước mắt chảy dài. Sự hi sinh xương máu của bao nhiêu đồng đội, vùng đất từ Diên Bình, Tân Cảnh đến Đăk Tô, Đăk Mót lúc đó đã được giải phóng...
Lật vạt áo, ông A Tủi chỉ cho chúng tôi xem vết thương trên cơ thể. Ông bảo, trong các trận chiến từ những năm 1970-1972, bộ đội mình hi sinh nhiều lắm. Ông bị trúng mảnh đạn mấy lần nhưng may mắn hơn các đồng đội khác, ông vẫn còn sống để được chiến đấu, để được chứng kiến, thấy ngày bộ đội ta làm chủ hoàn toàn Đăk Tô - Tân Cảnh vào ngày 24/4/1972.
|
Trong mạch câu chuyện, người lính năm xưa – A Tủi kể rằng, từ ngày 17/4, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ác liệt. Sáng hôm 17/4 đó, ông và đồng đội chỉ có thể ở dưới hầm bởi địch nã pháo liên tục, súng bắn liên thanh, bom dội vang cả đất trời. “Hôm ấy, khi tôi vừa mở nắp hầm, ngóc lên để xem tình hình thì bị một mảnh đạn văng trúng đầu nhưng may mắn, tôi vẫn còn sống sót” – ông Tủi kể.
Giật pháo xong, phía trên đầu, trực thăng của địch dàn ngang hàng trăm chiếc, oanh tạc, bắn rocket, bắn súng liên tục làm loạn cả một vùng trời. “Không sợ hi sinh, anh em bộ đội mình kiên cường chống trả. Lúc ấy, cao xạ phòng thủ của bộ đội ta tại điểm Ngọc Tụ đã bắn rơi một chiếc máy bay địch” - ông A Nhoa nhớ lại.
Trận chiến ác liệt kéo dài, đến ngày 22/4, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương tập trung lực lượng đánh vào ấp Đăk Chu, cô lập khiến địch không có đường chi viện quân, lương thực. Khi ấy, ông A Tủi, ông A Nhoa cùng với đồng đội ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 304 vừa đánh, vừa gỡ 6 lớp hàng rào để vào được hầm chiến hào. “Lúc đó, địch bắn súng liên tục, bắn pháo sáng như ban ngày. Sau khi qua được 5 lớp, đến lớp thứ 6, vừa đánh, vừa gỡ rào, quân ta hi sinh nhiều. Khoảng 1h sáng 23/4, mình vào được hầm chiến hào...” - ông A Tủi nhớ lại.
Sau khi củng cố lực lượng, ngày 23/4, quân ta tiếp tục tiếp cận quận Đăk Tô. Đúng 15h ngày 23/4/1972, pháo binh ta nã đạn dồn dập vào căn cứ E42 – cứ điểm mạnh nhất của địch. Nguyên đêm không ngủ, đến 1h sáng 24/4, xe tăng ta dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ E42, mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm này. Sau hơn nửa giờ chiến đấu ác liệt, căn cứ của địch chìm trong khói lửa.
Nói đến đây, ông A Nhoa như sống lại trong thời khắc ấy, ông kể: Ròng rã chiến đấu không ăn, không ngủ, dù mệt rã rời, đối diện với cái chết bất cứ lúc nào, nhưng tinh thần thép, chúng tôi và đồng đội quyết tâm chớp thời cơ địch hoảng sợ, tiếp tục tấn công... Đến trưa 24/4/1972, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ E42. Khi ấy, quân địch đóng ở các căn cứ Tri Lễ, quận Đăk Tô... tán loạn rút chạy. Lúc đó khỏi phải nói, anh em chúng tôi ôm xiết lấy nhau, mừng rớt cả nước mắt. Phải đến lúc đó, chúng tôi mới chia nhau những vắt cơm nắm, như để ăn mừng và cũng lấy lại sức sau những ngày ròng rã chiến đấu...
Sau giải phóng, những người lính A Tủi, A Nhoa lại tiếp tục cùng đồng đội, nhân dân vượt qua những khó khăn, đau thương của chiến tranh, tiếp quản vùng đất, cố gắng dựng xây, làm kinh tế để phát triển.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã 45 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng. Nhưng trong 2 ông - những người từng trực tiếp tham gia chiến dịch, từng kí ức như xếp chồng, chỉ cần lật ra, mọi thứ lại nguyên vẹn.
Giờ đây, trên những hố bom, trên những căn hầm năm xưa là những con đường nhựa trải khắp các thôn, làng. Máu xương của đồng đội, của cha ông đã làm thắm xanh cả một vùng đất. Nhưng cũng buồn lắm, tủi lắm, thương lắm những người cha, anh em, đồng đội của mình đã hi sinh trên chiến trường. Nuốt từng giọt nước mắt vào tim, ông A Tủi ngậm ngùi chia sẻ: Giờ đây, trong tim tôi, trong trí óc của tôi, hình ảnh những đồng đội dũng cảm chiến đấu, hi sinh khi súng còn trên vai như mãi còn. Hình ảnh đó thôi thúc tôi luôn cố gắng sống thật tốt, rèn luyện mình hơn nữa để xứng đáng với máu xương, công sức của các đồng chí, đồng đội đã đổ xuống.
Phải kìm lắm chúng tôi mới ngăn được những xúc cảm trào dâng khi nghe những câu chuyện thấm những giọt nước mắt của ông A Tủi và ông A Nhoa. Chúng tôi - thế hệ sau, may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình rất tự hào với những gì cha ông đã gầy dựng. Mỗi câu chuyện kể ra là động lực thôi thúc chúng tôi thêm cố gắng phấn đấu để xứng đáng với xương máu của cha ông đã gầy dựng, bảo vệ từng tấc đất cho dân tộc.
Bài, ảnh: Hoài Tiến