Nhân rộng các mô hình giáo dục gắn với thực tế
Ba năm trở lại đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh theo hướng “học đi đôi với hành”, gắn giáo dục kiến thức với rèn luyện kỹ năng sống.
Tháng 3 vừa qua, Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum đã tổ chức hoạt động giáo dục thực tế cho học sinh tại Ngục Kon Tum, Bảo Tàng tổng hợp tỉnh và Nhà bia tưởng niệm 81 Liệt sĩ (thuộc địa bàn phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum).
Theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum, mỗi năm học, đơn vị hoàn thành chương trình học kiến thức ở lớp cho học sinh ở các môn học: lịch sử, khoa học, xã hội - tự nhiên, đạo đức; tiếp đến Ban giám hiệu sẽ chọn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa hoặc làng nghề truyền thống DTTS, các trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh để tổ chức các chuyến đi học tập thực tế, hoặc mở các hoạt động ngoại khóa cho học sinh rèn luyện kỹ năng sống, cảm nhận thế giới quan, nhân sinh quan. Kết thúc mỗi chuyến đi, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức cho các em viết bài cảm nghĩ về hoạt động thực tiễn.
|
Bốn năm học ở mái trường này, em Trần Nguyên Khang - một học sinh lớp 4, đã chia sẻ: Em và các bạn rất thích những buổi ngoại khóa, học tập thực tế ở các địa danh lịch sử, văn hóa ở tỉnh do thầy cô đưa đi. Những nơi được đến, chúng em được tăng thêm hiểu biết, tự hào về các chú bộ đội quả cảm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Chúng em còn tự hào về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc qua hoạt động giao lưu cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm… Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, em thấy thương những bạn khuyết tật, người già neo đơn không người chăm sóc, nhưng họ vẫn sống yêu đời, có nhiều nỗ lực vươn lên hoàn cảnh khó khăn.
Theo phản ánh của cô Thủy, các hoạt động thực tế, mà đơn vị thực hiện trong các năm học qua đã và đang được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Những nội dung này đi đúng định hướng chỉ đạo của ngành GD&ĐT, triển khai công tác giáo dục toàn diện cho học sinh về kiến thức chuẩn theo khung quy định chung với giáo dục hình thành lý tưởng, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới.
Còn ở Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (huyện Đăk Hà) thì xây dựng thành công mô hình hoạt động giáo dục chính trị cho đoàn viên thanh niên, qua việc xuất bản bản tin “Khi tôi 18” hàng tuần do các bạn học sinh ở 14 lớp thực hiện, các thầy cô giáo tổ bộ môn Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân định hướng, biên tập nội dung. Trong đó, nội dung các em thể hiện phần lớn là các bài văn tản mạn, thơ xây dựng những yếu tố tích cực, về cái đẹp trong sáng ở học đường, về lối sống tuổi trẻ có lý tưởng cách mạng, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, định hướng nghề nghiệp; chống các thói hư tật xấu về nạn gian lận trong thi cử, ngăn chặn hiện tượng hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng, nói bậy chửi tục…
Anh Nguyễn Hải Nam - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Du cho biết, công tác giáo dục chính trị, lý tưởng sống tích cực đối với học sinh còn thông qua môn giáo dục công dân. Vào buổi sáng thứ 2 hàng tuần, mỗi chi đoàn thực hiện nhiệm vụ trực sẽ phân công các bạn sưu tầm và trình bày 1 tác phẩm có chủ đề học tập, làm theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Những ngày lễ lớn, trọng đại của tỉnh và đất nước, Đoàn trường tổ chức cho các em hoạt động ngoại khóa ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, phong trào uống nước nhớ nguồn và tổ chức chuyến đi về cội nguồn, khám phá phong cảnh thiên nhiên, những công trình kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh. Nhà trường còn ủng hộ thầy cô giáo, học sinh thực hiện sáng tạo đồ dùng dạy học, thực hiện thực hành tích hợp các môn học.
|
Theo em Nguyễn Thị Hải Yến - học sinh lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Du, qua việc cùng nghiên cứu, sáng tác kịch bản chương trình tổ chức ngoại khóa với các bạn đã giúp tụi em được rèn luyện về văn phong diễn đạt, tự tin nói trước đám đông. Những bài học kiến thức mang tính liên môn, hay tích hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều có bài tập ứng dụng, thí nghiệm khá lý thú, được các giáo viên khuyến khích các bạn chuẩn bị nguyên vật liệu hỗ trợ tiết học khá chu đáo. Những giờ học này, cũng tạo cho các bạn tư duy độc lập trong hành động, kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống và rèn cho tụi em kỹ năng hợp tác theo nhóm.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những phương pháp và mô hình giáo dục mới gắn giáo dục kiến thức chuẩn với thực tiễn cuộc sống, đã và đang hình thành, phát triển mạnh ở nhiều trường học, góp phần xây dựng trường học thân thiện với học sinh. Cách thức giáo dục này đang được các bậc phụ huynh và xã hội đánh giá cao, cần được nhân rộng ở các địa phương.
Trần Hà