Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với việc xử lý nợ quá hạn
Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát những khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ kịp thời. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiến hành xem xét từng trường hợp cụ thể trong vấn đề xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng, nhằm đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự công khai, dân chủ, minh bạch và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.
Việc xác định mức độ (tỷ lệ) thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng để áp dụng biện pháp xử lý nợ được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh căn cứ trên cơ sở số vốn, tài sản thực tế của khách hàng bị tổn thất do các nguyên nhân khách quan (được các cơ quan thẩm tra xác nhận) so với số vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh được ghi trong hợp đồng tín dụng hoặc đơn xin vay vốn của khách hàng. Đối với trường hợp học sinh, sinh viên vay vốn để theo học tại các trường hoặc đối tượng chính sách vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài thì việc xác định mức độ thiệt hại được căn cứ trên cơ sở số vốn và tài sản thực tế bị tổn thất. Nguồn vốn để gia hạn nợ, khoanh nợ cho khách hàng được tính trong tổng nguồn vốn hoạt động hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến giữa tháng 11/2019, tổng dư nợ là 2.601 tỷ đồng, với 64.824 hộ còn dư nợ, trong đó nợ quá hạn 8,327 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,32%. Dù mức nợ quá hạn thấp (thấp hơn mức bình quân cả nước 0,35%), song toàn tỉnh vẫn có đến 4 huyện, thành phố: Kon Plông, thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông có mức nợ quá hạn từ 0,35% - 0,82%.
Ông Ngô Xuân Thành - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông cho biết: Kon Plông là địa phương có tổng mức dư nợ thấp (113,390 tỷ đồng), nhưng mức nợ quá hạn lại cao (0,82%). Nguyên nhân nợ đọng quá hạn trong khách hàng phần lớn là do những rủi ro, bởi điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt với những diễn biến thất thường, khó lường tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh... sản xuất chăn nuôi thua lỗ dẫn tới mất vốn, không có khả năng khôi phục sản xuất; một số chuyển đi đến nơi ở khác. Cán bộ tín dụng ngân hàng phải phối hợp với các hội, đoàn thể của địa phương động viên, tuyên truyền để người nhà hoặc người thân cung cấp địa chỉ nơi đến của người vay để thu hồi vốn. Nhưng hầu hết các hộ này là đối tượng khó khăn dễ bị tổn thương, chấp nhận xa làng…
|
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Văn Chung thì tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội có những biện pháp xử lý nợ quá hạn, nợ khoanh khác nhau. Trong đó, đối với những hộ vay do bệnh tật hiểm nghèo, ảnh hưởng bởi thiên tai làm mất vốn, tai nạn bất ngờ... ngân hàng tiến hành giãn thời gian trả nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ. Với trường hợp khoanh nợ, việc áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro đối với khách hàng được tính từ thời điểm khách hàng gặp rủi ro do khách quan. Ngân hàng cho phép khách hàng gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng), nhưng vẫn phải trả lãi tiền vay. Khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% sẽ được khoanh nợ và không tính tiền lãi phát sinh trong thời gian khoanh nợ; thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% - 100% được khoanh nợ tối đa từ 3-5 năm. Nếu hết thời gian khoanh nợ mà chưa trả được, khách hàng sẽ được khoanh nợ tiếp với thời gian tối đa không vượt quá thời gian đã được khoanh nợ. Trường hợp khách hàng vay vốn bị rủi ro nhưng sau khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả, và ngân hàng đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán, thì được xem xét xóa nợ.
Được biết giai đoạn 2013-2016, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xóa nợ, khoanh nợ vay cho 2.089 hộ nghèo trong tỉnh với số tiền 17,674 tỷ đồng. Trong đó, có 1.325 món vay được xóa nợ, với số tiền 10,330 tỷ đồng (nợ gốc 8,283 tỷ đồng, lãi 2,047 tỷ đồng); khoanh nợ 764 món vay với số tiền 7,344 tỷ đồng, (nợ gốc 6,679 tỷ đồng, lãi 0,665 tỷ đồng). Giai đoạn 2016-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề nghị khoanh nợ, xóa nợ cho 368 hộ, trong đó xóa nợ 304 món vay với số tiền 4.496,86 triệu đồng (nợ gốc 3.722,37 triệu đồng, lãi 774,484 triệu đồng); khoanh nợ 64 món vay với số tiền 699,986 triệu đồng (nợ gốc 615,950 triệu đồng, lãi 84,036 triệu đồng).
Gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung một số nguyên nhân khách quan gây rủi ro tín dụng hiện nay chưa có cơ chế xử lý tại Ngân hàng Chính sách xã hội như khách hàng vay vốn khi gặp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn tới mất vốn, không có khả năng khôi phục sản xuất kinh doanh; người đi lao động ở nước ngoài về nước trước hạn do không đủ sức khỏe để làm việc; học sinh, sinh viên vay vốn trực tiếp, vay vốn thông qua hộ gia đình sau khi ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập hàng tháng thấp, gia đình chưa có khả năng trả nợ...
Việc bổ sung nguyên nhân này vào nhóm nguyên nhân được xem xét khoanh nợ nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho khách hàng, qua đó tạo điều kiện để khách hàng có điều kiện và thời gian để hoàn trả nợ vay cho Ngân hàng-ông Nguyễn Văn Chung cho biết thêm.
Dương Lê