Năm học mới - Nỗi lo cũ
Với không ít gia đình lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới thật sự là một gánh nặng đối với họ khi phải đối diện với hàng loạt khoản chi tiêu...
Trong những ngày này, cùng với niềm hân hoan được trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ hè của những cô cậu học trò là nỗi lo của các bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền cho các khoản mua sắm, đóng góp đầu năm. Với không ít gia đình lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới thật sự là một gánh nặng đối với họ khi phải đối diện với hàng loạt khoản chi tiêu như: Tiền học phí, tiền quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập và rất nhiều khoản phụ phí khác.
|
Chị Nguyễn Thị Ái nhà ở phường Lê Lợi làm nghề buôn bán trái cây trước cổng Trung tâm thương mại (đường Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum) có gia cảnh hết sức khó khăn, chồng bị tật ở chân, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào gánh trái cây của chị, nhà có 4 con đang tuổi ăn học nên chuẩn bị cho năm học mới chị không khỏi lo âu trước điệp khúc "tiền trường, tiền lớp" cho con.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Ái không ngần ngại cho biết: Hoàn cảnh rất khó khăn, nên gia đình tôi phải cố gắng lắm mới mua đủ sách vở, dụng cụ học tập, giày dép, quần áo đồng phục cho các cháu. Chưa tính đến tiền học phí và các khoản phí khác, chỉ tính sơ sơ tiền lo mua sắm cho 3 đứa vào đầu năm học cũng hơn 5 triệu đồng. Riêng đứa con lớn đang học cấp III nhưng do hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi đã gửi về quê ở với ông bà nội để bớt phần khó khăn. Hiện giờ gia đình tôi đang phải chạy đôn, chạy đáo, ăn uống tằn tiện dành dụm thêm tiền để sau ngày khai giảng có tiền cho con đóng học phí và nhiều khoản khác.
Không chỉ gia đình đông con như chị Ái, vào thời điểm gần đầu năm học mới, nhiều gia đình, trong đó có cả gia đình công chức, viên chức cũng phải tằn tiện chi tiêu để lo cho việc học của con.
Gặp chị Nguyễn Thị Thu Phương (một người quen của tôi) cùng con trai tên Khánh đang đi mua dụng cụ học tập tại nhà sách Hoa Học Trò nằm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum). Chị Phương cho biết: Chiều nay đến đón Khánh đi học về, nghe cháu nói cô giáo bảo cần phải mua thêm một số dụng cụ như nhãn, bìa bao sách vở, thước, compa, bút lông… Riêng sách giáo khoa thì chị đã mua từ tuần trước, tuy nhiên giờ phải mua thêm 1 quyển Mỹ thuật để thay thế quyển mua trước đó. Vì cô giáo yêu cầu phải mua đúng quyển của chương trình mới VNEN. Ngoài chuẩn bị mua sách, vở, quần áo đồng phục, giày dép, đồ dùng học tập theo quy định, giờ đây nhiều trường học còn bắt buộc các học sinh phải bao bìa vở từng môn học theo từng màu sắc quy định nên nhiều phụ huynh lỡ bao màu khác giờ buộc phải tháo ra, mua bìa khác về bao lại theo đúng màu sắc quy định của từng trường…
Theo kinh nghiệm của chị Phương, để giảm bớt áp lực khi vào đầu năm học, trong hè chị Phương phải mua sắm từ từ, thứ nào cần thiết thì mua trước. Năm nay 2 đứa con của chị Phương một đứa vào lớp 3 còn một đứa vào lớp 5. Chị Phương tâm sự: Chưa biết năm nay mức đóng tiền xây dựng trường, tiền ở bán trú, tiền bảo hiểm y tế, tiền bảo hiểm thân thể là bao nhiêu nhưng nghe nói có thể tăng hơn so với năm ngoái. Vợ chồng tôi có 2 người con, với thu nhập bình quân của tôi khoảng 5 triệu đồng/tháng, thu nhập của chồng tôi cũng chỉ hơn tôi chừng 1 - 2 triệu đồng/tháng nên việc xoay xở chi tiêu hàng tháng rất khó khăn, đặc biệt là trước mỗi năm học mới.
Gánh nặng đầu năm học mới không chỉ là nỗi lo của những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn mà còn là nỗi lo thường niên của các bậc phụ huynh có con em đang độ tuổi đến trường. Đối với những gia đình có từ 2 - 3 con cùng nhập học, nỗi lo chi phí đầu năm học mới càng lớn hơn. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, các bậc phụ huynh vẫn luôn cố gắng để lo cho con được đến trường.
Thanh Trang