Mạch sống Sa Nghĩa
Suốt thời gian dài sau chiến tranh, những cái tên Sa Nghĩa, đồi Sạc Ly... là nỗi ám ảnh về nỗi đau da cam. Thế nhưng, vượt lên nỗi đau kinh hoàng ấy, người dân nơi đây vẫn âm thầm hàng ngày hồi sinh những vùng“đất chết” này...
Trở lại “vùng da cam”
Nói ra thì khó tin, dù chỉ cách thành phố Kon Tum chưa tới 20km, nhưng đã mấy năm rồi, tôi mới có dịp trở lại Sa Nghĩa (huyện sa Thầy)... đúng nghĩa, chứ không phải chạy qua. Có lẽ vì vậy mà tôi dễ dàng cảm nhận được cuộc sống mới yên bình và trù phú ở vùng đất đã từng bị hủy diệt, phải chịu bao đau thương, thống khổ bởi chất độc hóa học của Mỹ rải xuống trong chiến tranh.
Sa Nghĩa - những ngày không mưa thật đẹp. Nhất là vào sáng sớm, mây bốc mù chân núi; vây lấy những ngôi làng, những cánh đồng, vườn cây… nhưng trên đỉnh núi lại hết sức trong trẻo, có thể thấy rõ dãy Sạc Ly xa xa. Những đồi thông đang trong mùa mưa, vươn lá tươi tốt, lấp lánh trong nắng sớm, phủ xanh màu xám chết chóc của dãy đồi mà ngày trước địch đã rải hàng ngàn tấn chất độc hóa học phát quang, diệt trụi cây cối để khống chế đường tiến quân của ta.
Bắt đầu từ năm 2001, chuyện hồi sinh dãy Sạc Ly đã trở thành một huyền thoại mới ca ngợi sức lực, ý chí của con người.
|
Cũng đã có người ví von sức sống mạnh mẽ của rừng thông nơi dãy Sạc Ly cháy nắng kia với ý chí vươn lên của người dân Sa Nghĩa. E rằng hơi khiên cưỡng nhưng ở vùng đất đã và đang mang nặng nỗi đau da cam nhiều thập kỷ thì để có hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Nghĩa đã trải qua một quá trình bền gan, vững chí phấn đấu.
Nằm dưới chân dãy Sạc Ly, Sa Nghĩa đã mang trong mình nỗi đau da cam nhiều thập kỷ. Năm 1981, cũng tại Sa Nghĩa, cặp song sinh nổi tiếng Việt – Đức đã chào đời. Và mãi đến bây giờ, thứ chất độc ấy vẫn tiếp tục khiến bao nhiêu sinh linh bé nhỏ của vùng đất này lâm cảnh dở vật dở người, sống mà không ra sống.
Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Minh nói, giọng run run: Bà con ở Sa Nghĩa này, hầu hết cũng từ Quảng Ngãi đi kinh tế mới, lên đây lập nghiệp trong khoảng thời gian 1976-1977, khi chiến tranh mới kết thúc, nên có không ít gia đình có con cái bị ảnh hưởng, nhất là những hộ gia đình sinh sống dọc 2 con suối: suối rừng Dền và suối nước Ngót- đều bắt nguồn từ dãy Sạc Ly. Có những gia đình bị ảnh hưởng tới 3 thế hệ. Thương tâm lắm, nỗi đau thể xác một, thì nỗi đau tinh thần mười...
Chú Nguyễn Như Minh- cán bộ văn hóa xã- trầm tư: Tôi năm nay 58 tuổi rồi, thuộc thế hệ những người đầu tiên lập nghiệp ở Sa Nghĩa. Thời ấy gian khó lắm, rừng núi hoang vu, ăn bờ ngủ bụi, uống nước suối để khai hoang vỡ đất. Khi ấy, mấy ai biết đến chuyện chất độc da cam. Hậu quả là nhiều trường hợp trẻ con bị dị tật, dị dạng, bị bệnh thần kinh khi sinh ra; sản phụ đẻ non, quái thai... Nhất là những năm 1990-2004. Nhưng bây giờ chỉ có 9 trường hợp được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, nhiều trường hợp là thế hệ thứ 3 chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật.
Nơi mạch sống xuôi chảy
Đón chúng tôi ở cửa vẫn là người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, gương mặt cằn cỗi, khắc khổ bởi những năm tháng vất vả, khó khăn cũng như gánh chịu nỗi đau tinh thần khi có đứa con trai duy nhất bị ảnh hưởng chất độc da cam, sống thực vật hơn 20 năm qua. Nhưng căn nhà lợp tôn lụp xụp ngày nào đã được thay thế bởi ngôi nhà xây, lợp ngói khang trang, vững chãi. Và trên gương mặt chị Phạm Thị Xuân Bốn đã tươi hơn bởi nụ cười hồn hậu.
|
Chị Bốn rủ rỉ: Điều kiện chị cũng “đặc biệt” lắm. Theo mẹ từ Quảng Ngãi lên đây năm 1976, lớn lên lập gia đình, sinh được 2 cháu thì cháu gái đầu bình thường, cháu trai Huỳnh Hưng bị đa khuyết tật ngay khi sinh, sống thực vật cho đến nay. Mới đầu, chị buồn lắm, chẳng thiết làm ăn, nhưng rồi được sự động viên của gia đình, họ hàng và sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể, chị nghĩ, bản thân mình cần phải nỗ lực vượt qua khó khăn, làm lụng để nuôi các cháu.
Suốt hơn 20 năm qua, nhờ mẹ chăm sóc cháu, chị quần quật làm lụng không ngơi nghỉ. Hết bám ruộng rẫy trồng mỳ, trồng lúa, chị lại đi làm thuê, làm mướn lấy tiền chăm sóc cháu Hưng và nuôi cháu đầu ăn học đàng hoàng, đến nay đã có việc làm và lập gia đình. Và mới đây, gia đình chị đã vui mừng đón thành viên mới.
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Minh Lượng-Trần Thị Cảnh cũng là một tấm gương vượt qua bất hạnh, vươn lên trong cuộc sống ở Sa Nghĩa. Trong chiến tranh, cả 2 ông bà đều hoạt động ở khu vực bị rải chất độc hoá học. Ông chiến đấu ở Phước Long, bà làm giao liên ở chiến trường Quảng Ngãi...
Bà kể: khoảng năm 1972, khi đơn vị bà hành quân vượt qua một khu đồi ở khu vực Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thì bị địch rải chất độc hóa học. Tất cả đều thấy rát mặt, tức ngực, khó thở nhưng vẫn phải vượt qua... Còn ông thì chiến đấu ở những cánh rừng Phước Long, nơi địch rải đi rải lại chất độc hóa học mấy lần. Cũng tại Phước Long, ông bị thương 2 lần, lần đầu vào tay, lần hai vào mắt. Hiện nay ông đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Sa Thầy.
Năm 1976, ông bà đưa nhau lên lập nghiệp tại Sa Nghĩa và sinh được 4 cháu; trong đó cháu thứ 3 mất sau khi sinh; cháu thứ tư- Nguyễn Minh Nhân (sinh năm 1985) bị dị tật bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch). “Thương con đứt ruột, nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng chúng tôi vẫn cắn răng làm lụng, không hề thở than. Không ai ngờ cháu ốm đau, dị tật lại sống được và sống khoẻ, có thể giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ...”- bà Cảnh nghẹn ngào.
Điều làm cho ông bà vơi bớt nỗi đau là Nguyễn Minh Nhân đã lập gia đình, sinh được một trai, một gái, tuy cũng bị dị tật nhưng ở thể nhẹ, có thể can thiệp bằng phẫu thuật, còn trí óc, sức khoẻ, cơ thể vẫn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Hàng ngày Nhân quản lý máy xay xát lúa của gia đình, cũng có thu nhập, tự chăm lo được cuộc sống cho gia đình nhỏ. Mọi người đều mừng cho Nhân, mừng cho ông bà...
Khi tôi chia tay Sa Nghĩa, Chủ tịch Minh đã không giấu giếm sự tự hào: Đất Sa Nghĩa đã từng trơ trụi, cằn cỗi vì bom đạn, vì chất độc nhưng nay vẫn xanh tốt cây trái, bắp, lúa, mỳ. Người Sa Nghĩa vẫn sống vui, sống khoẻ, từng bước thoát đói, giảm nghèo. Những gia đình có con cái bị ảnh hưởng chất độc da cam không hề ỷ lại vào Nhà nước, luôn nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, không còn hộ nghèo đâu anh ạ...
Vâng, dù thế nào thì mạch đời vẫn không ngừng xuôi chảy. Sa Nghĩa đã và vẫn nỗ lực vượt qua nỗi đau, vươn lên từng ngày. Giống như những gia đình, những mảnh đời bất hạnh kia, họ vẫn phải sống, vẫn phải vươn lên vì mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn.
Lê Hải