Lính mới - Trận đầu
Nhìn rất rõ địch dùng xe bọc thép trà đi trà lại vào những hầm chữ A của chiến sĩ ta, nhưng chúng tôi vẫn không được lệnh nổ súng, phải giữ bí mật, vì đằng sau chúng tôi là Sở chỉ huy Trung đoàn và gần đó là Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 2, Quân khu 5...
Giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh đến nay đã tròn 45 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in ngày đầu làm lính mới. Đó là, một ngày đầu năm 1972, sau hơn 2 tháng hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, Đại đội chúng tôi được điều về Trung đoàn 66. Lúc đó khoảng 1h chiều, ngày 29 tết (tức ngày 13/2/1972), Trung đoàn tổ chức cho chiến sĩ ăn tết trước và bắt đầu hành quân từ hậu cứ đi tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh. Đội hình hành quân nghỉ 30 phút để tiếp nhận chúng tôi. Tôi được biên chế về Trung đội súng phun lửa của Trung đoàn.
Tiểu đội trưởng Bế Văn Mậy, người Tày quê ở Cao Bằng (sau này là người giới thiệu tôi vào Đảng) sắp xếp ba lô giúp tôi, anh bỏ đi tất cả những gì không cần thiết và mang cho tôi 1 khẩu súng AK báng gấp, mấy băng đạn và một tượng gao.
Đội hình hành quân lại tiếp tục trên những đường mòn mới mở chập trùng, hiểm trở, qua những đỉnh núi cao, tiến về phía sắp tới Trung đoàn làm nhiệm vụ... Cứ như thế, ngày đi đêm nghỉ, đến ngày mồng 5 Tết mới được nghỉ một ngày để làm công tác chuẩn bị vận chuyển đạn... chuẩn bị cho trận đánh.
Với anh em lính mới chúng tôi, các anh lính cũ ai cũng là thần tượng, vì các anh nhanh nhẹn, tháo vát, thành thục tất cả mọi công việc, đáp ứng thực tiễn cuộc sống chiến trường. Các anh yêu quý chúng tôi như anh em ruột thịt, quan tâm, dạy chúng tôi đủ mọi điều từ việc mắc võng thế nào, để nước mưa không chảy vào ướt võng, uống nước trên đường hành quân ra sao cho đỡ khát, đỡ mệt, loại rau nào ăn được, cách đi không dấu, nấu không khói...
Trong những ngày đơn vị hành quân, cứ một tuần lính mới chúng tôi được nghỉ một ngày huấn luyện... các anh dạy tôi về cấu tạo, tính năng, tác dụng, kỹ thuật, chiến thuật để phát huy tối đa tính ưu việt của loại vũ khí mới - súng phun lửa.
Cung vận chuyển của đơn vị được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, từ hậu cứ kéo dài đến vị trí tập kết của Trung đoàn, sát căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh.
Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh còn gọi là căn cứ 42 có chiều dài 600m, rộng 400m, bố trí thành 6 cánh, bên trong chia thành 13 phân khu, với thiết bị công sự hầm ngầm vững chắc, xung quanh có 8 - 14 lớp rào dây kẽm gai, xen kẽ nhiều loại mìn chống tăng, bộ binh, nhiều nhất là mìn chập nổ. Lực lượng trong căn cứ gồm Sở chỉ huy Sư đoàn 22, khu cố vấn Mỹ, Sở chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh, Sở chỉ huy Trung đoàn 14 thiết giáp, Tiểu đoàn 4 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh và 1 tiểu đoàn xe tăng M41.
Chập choạng tối ngày 21/4/1972, đơn vị được lệnh hành quân, bí mật xây dựng công sự để bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn phía đông căn cứ 42. Tiếng súng nổ lớn, qua những vệt lóe sáng từ đèn pha, pháo sáng, đèn dù trong căn cứ, chúng tôi nhìn thấy cả một vùng rộng lớn, tôn sáng trắng, lô nhô những đồn bốt, cần ăng ten, các loại xe. Suốt cả đêm 21/4, tôi cùng 2 đồng đội vất vả đào xong chiếc hầm chữ A cạnh bụi le phía trước Sở chỉ huy Trung đoàn chừng 100m.
Ngày 22, 23/4, cuộc chiến bắt đầu, chúng tôi là lực lượng bảo vệ Sở chỉ huy nên cứ phải nằm tại chỗ. Tiếng đạn pháo, cối gầm rít trong căn cứ, trong các cánh rừng khói mù mịt, mùi thuốc súng khét lẹt, tiếng gầm rú của xe tăng, xe bọc thép của cả ta và địch... Hình như cửa mở hướng đông của Trung đoàn, nơi có Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 66 mà chúng tôi đang bảo vệ bị địch phát hiện. Chiều ngày 23/4, địch đưa nhiều xe bọc thép ra hướng đông, trúc nòng súng 12 ly 8 và đại liên, kết hợp với hỏa lực trong căn cứ thi nhau trút đạn...
Nhìn rất rõ địch dùng xe bọc thép trà đi trà lại vào những hầm chữ A của chiến sĩ ta, nhưng chúng tôi vẫn không được lệnh nổ súng, phải giữ bí mật, vì đằng sau chúng tôi là Sở chỉ huy Trung đoàn và gần đó là Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 2, Quân khu 5... cuộc chiến đấu ác liệt quá, tôi ngồi trong hầm cùng 2 anh lính cũ, vừa hồi hộp, vừa run, thỉnh thoảng lại giật thót mình.
Đến chập choạng tối 23/4, anh em chúng tôi được rút về Tiểu đoàn 7 làm lực lượng mở của hướng đông. Cán bộ, chiến sĩ Đại hội 3 bí mật dò, gỡ mìn, cắt rào, liên kết bộc phá vào chân các hàng rào kẽm gai... gần sáng ngày 24/4, giờ G đã điểm, một tiếng nổ liên hoàn long trời, lở đất làm hệ thống rào kẽm gai bật tung, liền sau đó là những tiếng hô xung phong vang dội được phát ra mọi hướng.
Sau những kìm nén vì thời gian giữ bí mật quá dài, chúng tôi vừa hành tiến vừa điểm xạ AK vào đám lính ngụy lố nhố phía trước. Cùng lúc, anh Tếnh xạ thủ súng phun lửa bắn liền 2 phát, con rồng lửa vụt bay tới đám lính ngụy đang co cụm, chúng la hét om sòm, chạy tán loạn, một số gục ngay tại chỗ.
Địch điên cuồng cho máy bay oanh tạc dữ dội vào khu vực cửa mở, chúng trút bom bi, bom cháy, các loại pháo cối và phóng cả chất độc, hơi ngạt, hơi cay hòng ngăn chặn bước tiến của chiến sĩ ta. Trời sáng dần, cuộc chiến vẫn vô cùng ác liệt, nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh...
Trước sức tấn công như vũ bão của ta, toàn bộ quân địch trong Căn cứ 42 đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. 11h trưa 24/4/1972, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ Căn cứ 42, Đăk Tô - Tân Cảnh được giải phóng.
Ý nghĩa chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh của quân và dân ta là vô cùng to lớn, chỉ tiếc rằng chúng ta không giữ lại được những dấu tích trong Căn cứ 42 để cùng với chiếc xe tăng 377 của ta, làm trực quan sinh động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau.
Trần Mạnh Long