Liên kết trong đào tạo nghề: Sớm mở nút thắt đầu ra
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực nên rất cần nguồn lao động lành nghề. Cũng có doanh nghiệp đã đề xuất liên kết với địa phương, cơ quan quản lý lao động về đào tạo nghề theo công việc cần sử dụng lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên lao động được đào tạo, hoặc đào tạo lại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Anh Huỳnh Thanh Tú - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách nhận xét, gần như các nhà quản lý lao động và doanh nghiệp chưa gặp nhau ở chỗ liên kết đào tạo nghề và chọn nghề cần để học, đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội. Về phía lao động ở các khu vực nông thôn có tập quán sinh sống, hoạt động cộng đồng lâu đời, nên cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động. Cụ thể, lao động khá rụt rè, có phần thụ động, thiếu tự tin, thiếu ý chí vươn lên và thiếu cả tính kỷ luật.
|
Anh Tú dẫn chứng: Năm 2014, có 1 doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư sản xuất rau xứ lạnh, chăn nuôi bò sữa để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đơn vị đã nhờ công ty của tôi tư vấn, làm cầu nối tuyển dụng khoảng 400 lao động đã qua đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương. Sau khi các bên đồng ý các thỏa thuận về hợp đồng lao động, công ty này có ý định đưa lần lượt lao động tại chỗ đi đào tạo lại nghề chuyên sâu đã học, chủ yếu chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện quy trình chăm sóc – thu hoạch các sản phẩm trên. Nhưng khi thực hiện phổ biến các nội dung thỏa thuận với người lao động tại chỗ, chỉ còn chừng 20 người đăng ký.
Theo anh Tú, tuyển dụng không đủ lao động trên, buộc doanh nghiệp chuyển sang chọn lao động có chứng nhận nghề ở các tỉnh khác. Trong khi các điều khoản lao động do đơn vị này đặt ra đều có lợi cho lao động trong tỉnh, từ hỗ trợ kinh phí đi học, nâng cao kỹ năng nghề đã được đào tạo, đến có việc làm ổn định lâu dài sau khóa học. Chỉ có khó khăn là, nơi đến học việc của lao động là ở ngoài tỉnh Kon Tum.
Minh chứng việc “đánh rơi” cơ hội việc làm của lao động nông thôn, chị Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyen Huy Hung (ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) chia sẻ, từ năm 2011 đến nay, công ty đã liên kết với 652 hộ dân thực hiện thành công mô hình sản xuất – kinh doanh cà phê sạch để xuất khẩu ra thế giới với tổng doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Hàng năm, đơn vị còn tạo điều kiện cho 100 lao động nông thôn có việc làm. Nhưng đối tượng lao động thường xuyên thay đổi, hoặc không đảm bảo năng lực làm việc.
Theo chị Tuyết, một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn có độ tuổi 25-30 thiếu sự nhiệt thành, say mê với nghề được đào tạo. Không riêng ở công ty chị mà nhiều đối tác làm ăn khác cũng thường ca thán, người lao động vùng nông thôn quen sinh hoạt không nề nếp về giờ giấc, nên việc tự ý bỏ việc, không báo lý do vẫn diễn ra; có lao động khác thì không tuân thủ quy định về bảo hộ lao động trong sản xuất, không tuân thủ quy trình lao động khi chế biến sản phẩm theo yêu cầu đặt ra. Nhiều lao động còn uống bia rượu trong giờ làm việc… Những cá nhân như thế, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nghỉ việc, sau nhiều lần nhắc nhở.
“Tôi nghĩ, về lâu dài, người lao động nông thôn không thay đổi lối suy nghĩ và làm quen tác phong lao động công nghiệp, thì cơ hội việc làm không dễ dàng đến với họ” - chị Tuyết nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Hòa chủ cơ sở sản xuất nấm sạch Tây Nguyên (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết, năm 2014 đến nay, anh đã trồng, kinh doanh các loại nấm sạch. Anh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động dân tộc thiểu số, truyền nghề trồng nấm miễn phí cho các bạn trẻ ở các địa phương. Qua quan sát các bạn trẻ đang ở tuổi lao động vàng ở vùng nông thôn, anh nhận thấy họ chưa có ý thức về học nghề và lập nghiệp. Quá trình học nghề của lao động trẻ chủ yếu do người thân vận động, định hướng, nên thiếu sự say mê và kiên nhẫn học tập. Sau thời gian học nghề, các bạn không sống vì nghề.
|
Ngay cơ sở của anh Hòa, lao động phổ thông lúc mới đến giúp việc được trả lương cơ bản, được hướng dẫn từng công đoạn sản xuất nấm. Khi biết quy trình trồng nấm, lao động tự ý nghỉ việc, về nhà mở cơ sở sản xuất, nhưng rồi thất bại, lại nhảy sang phụ việc khác kiếm sống. Điều này làm cho người sử dụng lao động cũng không mặn mà trong việc truyền nghề, tuyển lao động mới, ngược lại tìm người thân trong nhà để phụ việc.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những hạn chế này thì bản thân lao động nông thôn phải tự thấy, tự cải thiện. Ngoài ra, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý lao động phải tuyên truyền, có biện pháp tích cực hơn, mới mong việc đào tạo nghề và tìm việc làm mới cho lao động nông thôn có chuyển biến khả thi.
Theo anh Tú, giải pháp có thể là, doanh nghiệp bỏ một phần hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo công việc cần trong tương lai. Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa công ty, nhà máy cho lao động vào tham quan, thực hành công việc sẽ đảm đương khi được tuyển dụng chính thức. Người lao động được cơ hội đối thoại với lãnh đạo đơn vị về yêu cầu đặt ra với việc làm tại đây. Ngược lại, đơn vị quản lý, đào tạo lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát, tham gia ý kiến với nội dung đào tạo nghề có địa chỉ trên. Nếu xét thấy cần thiết, đôi bên có thể soạn thảo hợp đồng liên quan, gắn trách nhiệm về mặt pháp lý đối với lao động, đào tạo lao động nông thôn có địa chỉ. Có như thế, việc liên kết học nghề, tạo việc làm của người lao động nông thôn mới sớm mở được nút thắt khó về đầu ra…
Mai Trâm