Kon Rẫy: Quan tâm đầu tư giáo dục vùng DTTS
Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT tạo huyện Kon Rẫy có 23 đơn vị trường trực thuộc với tổng số 326 lớp, 8.574 em học sinh (học sinh DTTS gần 77%). Trong đó, có 8 trường Mầm non, 8 trường Tiểu học, 7 trường THCS. Hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS được quan tâm đầu tư với 3 trường PTDTBT và 4 trường phổ thông có học sinh bán trú.
Được chứng kiến những tiết học sôi nổi tại Trường Tiểu học (TH) xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), chúng tôi mới cảm nhận hết được sự nhiệt huyết, tận tụy của đội ngũ giáo viên và sự hăng say học tập các em học sinh tại đây. Dưới sự ân cần, tỉ mỉ hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em học sinh chăm chú lắng nghe, say mê giải bài, tập đọc, làm việc nhóm, tạo không khí học tập hào hứng, đầy sáng tạo.
Cô Phan Thị Thúy Phương- Hiệu trưởng Trường TH xã Đăk Tơ Lung cho biết: Trường TH xã Đăk Tơ Lung có tổng cộng 314 em học sinh với 15 lớp, gồm 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Với đặc thù là trường có đông học sinh DTTS (gần 99%), vượt qua nhiều khó khăn, nhà trường luôn nỗ lực để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ cho nhiều em học sinh nghèo, học sinh DTTS về vật chất, hỗ trợ về tinh thần để các em vươn lên trong học tập. Hàng năm, nhà trường luôn duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 100%, lên lớp thẳng trên 99%, khá giỏi gần 46%.
|
“Bên cạnh việc được Nhà nước quan tâm đầu tư đảm bảo về cơ sở vật chất, Trường Tiểu học xã Đăk Tơ Lung chú trọng tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện để giúp các em học sinh phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Nhà trường cũng quan tâm đến các điều kiện sinh hoạt, học tập, nhất là việc chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập đảm bảo cho các em; triển khai kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh đang theo học tại trường” - cô Phan Thị Thúy Phương cho biết thêm.
Trò chuyện với em Y Tuyết (học sinh lớp 5A, Trường TH xã Đăk Tơ Lung), tôi rất khâm phục cô bé người Xơ Đăng đầy nghị lực, vượt khó học giỏi này. Bố mất sớm, gia đình em thuộc hộ cận nghèo, mẹ thường xuyên đi làm vắng nhà, Y Tuyết từ nhỏ đã phải tự lập trong cuộc sống lẫn việc học hành nhưng em vẫn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, học giỏi, được thầy cô và bạn bè trong trường yêu mến.
Em Y Tuyết chia sẻ: Em xem trường học như ngôi nhà thứ hai của mình vì luôn nhận được những lời căn dặn, chỉ bảo từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống và học tập. Đã từng có thời gian em nhút nhát, thiếu tự tin vì hoàn cảnh gia đình nhưng với sự động viên, chăm sóc, hỗ trợ của các thầy cô, bạn bè, em đã trở nên tự tin, hòa đồng và học tập tốt.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2023 đến nay, ngành GD&ĐT huyện Kon Rẫy đã được đầu tư xây mới 10 phòng học (Trường THCS Đăk Ruồng 8 phòng, THCS Đăk Tờ Re 2 phòng), 8 phòng học bộ môn (Trường TH Ka Pa Kơ Lơng 2 phòng, TH Số 1 Đăk Rve 2 phòng, TH Đăk Tơ Lung 2 phòng), 4 công trình vệ sinh nước sạch, 10 phòng hành chính quản trị (MN Đăk Kôi, TH số 1, THCS Đăk Tờ Re); 2 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (PTDTBT-THCS Đăk Kôi và Đăk Pne), 2 phòng ở bán trú cho học sinh (PTDTBT-TH Đăk Pne), 2 cổng - tường rào (TH Tân Lập, THCS Tân Lập).
|
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT huyện Kon Rẫy thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, DTTS như: Nghị định 116 về chế độ bán trú; Nghị định 81 về hỗ trợ học phí và cấp bù học phí, Nghị định 105 về chế độ cấp dưỡng trẻ mầm non.
Ngoài ra, ngành GD&ĐT huyện tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho các em học sinh như: Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thư viện ước mơ, Thư viện thân thiện, phong trào “Sách cũ cho năm học mới”, mô hình bán trú dân nuôi, Dự án nuôi em, mô hình “Xây dựng góc học tập tại nhà, hướng dẫn học sinh rèn kỹ năng tự học”.
Thầy Nguyễn Minh Trí- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho biết, trước khi bước vào năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nhu cầu nâng cấp, sửa chữa các hạng mục cần thiết của tất cả trường học để có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các trường thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục cho các em học sinh, đặc biệt là trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa, DTTS đảm bảo cho việc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo chương trình GDPT 2018.
Những kết quả mà ngành GD&ĐT huyện Kon Rẫy đạt được trong thời gian qua đã khẳng định nỗ lực vượt khó, không ngừng nâng cao chất lượng công tác dạy và học tại địa phương. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng nhiều mặt đến công tác giáo dục trên địa bàn. Bởi vậy cần sự quan tâm đầu tư các cấp chính quyền và chung tay của toàn xã hội nhiều hơn nữa, nhằm các em học sinh ở đây, nhất là học sinh DTTS có điều kiện học tập ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Hoàng Thanh