Giải “bài toán” môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Không phải tự nhiên mà hầu hết những cán bộ xã mà tôi có dịp tiếp xúc, khi được hỏi đến đều có chung một nhận định rằng: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường thuộc nhóm “khó nhằn” nhất. Vì sao vậy?
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí thứ 17) có nhiều nội dung được bổ sung rõ ràng và chặt chẽ hơn. Ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho rằng, một số nội dung trong tiêu chí đã được “cởi trói” hơn so với Bộ tiêu chí ban hành tháng 4/2009.
Đơn cử thế này, nếu như trước đây, nước thải khu vực nông thôn phải được thu gom, xử lý theo quy định, thì nay chỉ giới hạn đối với khu dân cư tập trung. Hoặc quy định rõ hơn là giao địa phương thực hiện xây dựng nghĩa trang phù hợp quy định và theo quy hoạch, điều kiện thực tế thay vì nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch... - ông Trần Văn Chương dẫn chứng.
Tuy nhiên, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chăn nuôi, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch… lại được siết chặt hơn. Trước đây, nếu chăn nuôi, hộ dân chỉ cần làm bể biogas là đạt, nhưng hiện nay, mỗi hộ chăn nuôi phải xử lý nước thải riêng.
Dù chung nhận định rằng, môi trường là 1 trong 4 tiêu chí cơ bản trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (thu nhập, việc làm, hộ nghèo, môi trường), đã và đang được địa phương mình quan tâm thực hiện, nhưng hầu hết cán bộ lãnh đạo các xã mà tôi có dịp trò chuyện đều bộc bạch vẫn đang chật vật với việc giải “bài toán” môi trường, được đánh giá là vấn đề khá phức tạp.
Theo ông Nguyễn Thái Huy - Chủ tịch UBND xã Đăk La (huyện Đăk Hà), sở dĩ các địa phương khó hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số; sản xuất nông nghiệp lạc hậu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt đúng quy định chưa thực hiện được do thiếu kinh phí…
Xã Đăk La đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2016 và để đạt tiêu chí về môi trường, bắt buộc địa phương phải tìm ra cách làm riêng của mình. “Chúng tôi đã có những giải pháp tích cực như ra nghị quyết chuyên đề về môi trường; giao cho các đoàn thể phụ trách công tác vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen xả rác tùy tiện; thu gom, vận chuyển rác thải… - Chủ tịch Nguyễn Thái Huy kể lại.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đăk La còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai mô hình Đội Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường. Đây là lực lượng xung kích tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác vào thùng, không vứt bừa bãi; hướng dẫn phương pháp sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng; thu gom rác thải định kỳ tại các cánh đồng, đường làng, thôn xóm, khu vực chợ…
Dù vậy, khách quan mà nói, cho đến nay, xã nông thôn mới Đăk La vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong nỗ lực duy trì tiêu chí môi trường đã đạt được. Trong đó đáng kể nhất là vấn đề thu gom rác thải từ các hộ gia đình còn hạn chế, nhiều “bãi rác” tự phát vẫn xuất hiện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã); ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi do nước thải chưa được xử lý đúng quy định...
|
Ở xã nông thôn mới đã vậy, những xã đang trên đường phấn đấu còn khó hơn. Tại nhiều nơi, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu; người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý mà “tiện đâu vứt đấy”; chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước...
Một thực tế đáng báo động là tình trạng người dân vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ra ven đường, bờ ruộng, sông suối sau khi dùng xong đang khá phổ biến. Trong một chuyến đi công tác qua xã Kroong (thành phố Kon Tum), chúng tôi gặp một anh thanh niên ném vỏ chai đựng thuốc trừ sâu ra Tỉnh lộ 675. Khi được hỏi có biết lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trong chai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và con người hay không, anh hồn nhiên: Chai thuốc sử dụng hết rồi mà, với lại, mình ném ở đây có ảnh hưởng đến ai đâu(?)
Đến chuyện xây nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn cũng nhiều chuyện đáng nói. Theo tiêu chí, xã nông thôn mới ở tỉnh Kon Tum phải có ít nhất 70% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), nhưng “rất khó để đạt được tiêu chí này”- theo nhận xét của một cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới (đề nghị giấu tên).
Bên cạnh những nguyên nhân như điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, không có nguồn kinh phí, thì bản thân người dân chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Thậm chí có gia đình kinh tế dư giả, nhà cửa khang trang nhưng nhà vệ sinh vẫn cứ sơ sài hoặc không hề có. Những công trình công cộng ở nông thôn như trường học, trạm xá, trụ sở xã... tuy có nhà tiêu nhưng sau một thời gian sử dụng bị xuống cấp, cùng với ý thức của người sử dụng chưa cao nên công trình vệ sinh trở thành... mất vệ sinh- anh cán bộ này cho biết.
Trong một lần trò chuyện, ông Trần Văn Chương cho rằng: Để cải thiện, tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử của mỗi người dân. Các địa phương cần vận dụng tốt những chính sách hỗ trợ việc thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường, nhất là chính sách hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải; xử lý môi trường cho các điểm ô nhiễm gây bức xúc tại khu vực nông thôn như chợ, làng nghề, lò giết mổ gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường tại nơi sinh sống và khu vực sản xuất; vận động người dân giữ gìn môi trường thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường”; phân loại rác tại hộ gia đình; xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện thu gom, xử lý rác thải, đội tự quản vệ sinh môi trường...
Thành Hưng