Già làng, người có uy tín ngày càng được quan tâm
Để động viên tinh thần già làng, người có uy tín, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS (Quyết định 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 18) thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ già làng, thôn trưởng, người có uy tín...
Trong chuyến công tác về xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) gần đây, tôi nghe Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn An “khoe” về mô hình “Sinh hoạt chi bộ mở rộng”. Theo đó, xã thực hiện sáng kiến sinh hoạt chi bộ thôn, làng mở rộng có sự tham gia của thôn trưởng, trưởng các ngành, đoàn thể, người có uy tín, già làng (không phải là đảng viên) để chi bộ phổ biến các chủ trương, đường lối và tham gia ý kiến cùng với chi bộ trong việc xây dựng cơ quan, khu dân cư vững mạnh, trừ những vấn đề mang tính chất mật, công tác cán bộ theo quy định.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn An giải thích: Ở các chi bộ khu dân cư hiện nay không phải thôn trưởng, già làng hay trưởng các đoàn thể nào cũng là đảng viên. Vì vậy, để kịp thời triển khai các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền ở khu dân cư, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên”, cho phép mở rộng đối tượng sinh hoạt chi bộ. Và chính việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đem lại những hiệu quả tích cực trong thực tế.
|
Già A Chông - vừa là già làng vừa là người uy tín ở làng Đăk Klong, xã Đăk Hring - cho rằng, Nghị quyết của Đảng bộ xã đã tạo điều kiện cho những già làng, người có uy tín không phải là đảng viên như già kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để vận động dân làng.
“Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến vai trò của già làng, người có uy tín. Sự quan tâm ấy đã động viên, khích lệ chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa” - già A Chông phấn khởi nói.
Dù đã bước sang tuổi 78 nhưng già A Chông rất ham học hỏi, tích cực tham gia công tác xã hội, ông vừa là Chủ tịch Chữ thập đỏ xã, Phó Chủ tịch người cao tuổi xã vừa là Chi hội trưởng người cao tuổi thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đăk Klong.
Già chia sẻ: Chức vụ già làng, người có uy tín do dân bầu chọn nên già luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không đòi hỏi chế độ chính sách gì hơn, chỉ mong Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để già làng, người có uy tín được tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm...
Chị Y Nông – Phó Chủ tịch xã Đăk Hring nhấn mạnh: Bên cạnh việc quan tâm giải quyết các chế độ chính sách dành cho già làng theo quy định, địa phương cũng tạo điều kiện để già làng, người có uy tín tham gia nhiều hơn vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ nâng cao kiến thức; từ đó góp phần nắm bắt kịp thời, tháo gỡ, giải quyết bức xúc cho dân ngay từ cơ sở.
Ông Ka Ba Thành – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, có thể khẳng định rằng không riêng gì xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), mà toàn tỉnh đã làm tốt công tác chăm lo đội ngũ già làng, người có uy tín tại các làng đồng bào DTTS.
Trong 5 năm qua (2012-2016), tỉnh Kon Tum đã công nhận 3.304 lượt người uy tín; tổ chức đoàn ra Thủ đô Hà Nội gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh với 122 lượt người tham gia; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho gần 8.500 lượt người; tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức cho hơn 1.000 lượt người; cử già làng, người có uy tín tham gia gặp mặt người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu tại Đăk Lăk (do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức)…
Ông Ba Ka Thành cho biết thêm, những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh còn duy trì tổ chức gặp mặt già làng, thôn trưởng, người có uy tín để cung cấp thông tin về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Đây cũng là những dịp để già làng, thôn trưởng, người có uy tín trao đổi, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ở từng thôn làng. Trên cơ sở đó giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hiểu và nắm bắt sâu hơn về tình hình ở cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp...
Sông Côn