Dọn “rác” trên mạng xã hội
Hiện tượng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tiêu cực như vu khống, bôi nhọ cá nhân hay kích động ứng xử xấu đang phổ biến, trong khi chế tài xử lý theo luật định không thể sử dụng một cách thái quá. Vì vậy, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết, hướng tới dọn sạch “rác”, xây dựng môi trường mạng lành mạnh.
Tôi hơi bất ngờ khi nhận được khá nhiều tin nhắn hỏi về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6, sau khi báo chí đưa tin. Hầu hết trong số họ là nông dân hoặc người lao động tự do nơi tôi ở. Cũng vì vậy, mà tôi nhận ra rằng, họ là những người rất gắn bó với mạng xã hội.
Chúng tôi có thói quen “lướt” mạng xã hội mỗi ngày. Nhất là sau những giờ lao động vất vả để kiếm tiền, mạng xã hội giúp chúng tôi thư giãn, bớt mệt mỏi, kết nối và giao lưu- Công, một nông dân thực thụ, với 3ha cao su, cho hay.
Nói ra thì xấu hổ, trò chuyện với họ, tôi mới biết rằng mình “lạc hậu” đến mức nào. Dám chắc rằng, so với những nông dân ấy tôi chỉ là “hậu sinh” trong việc dùng mạng xã hội. Dù công tác trong lĩnh vực truyền thông, tôi mới có tài khoản facebook năm 2020.
Ngay khi mới có facebook, tôi vướng vào một chuyện thị phi, dù nhỏ, nhưng cũng đủ khiến một “tay mơ” như tôi lo lắng, sợ hãi. Hồi ấy, vì thiếu kinh nghiệm, hay như cách nói hiện nay là “còn non và xanh”, tôi đã vô tình cuốn vào một “cuộc đấu khẩu” không cần thiết với một vài người.
Và một ngày nọ, tôi được thông báo, ảnh của mình được lấy làm đại diện cho một tài khoản chuyên chia sẻ những thứ “bạo lực và thô tục”- như đánh giá của bạn bè.
|
Lẽ tất nhiên tôi hoảng hồn và cuống đến mức chẳng biết làm gì, ngoài cầu cứu người xung quanh. Rất may là sau đó ít ngày, tài khoản trên đã tự “biến mất”. Nhưng dù sao tôi cũng đã nghe được không ít bình luận tiêu cực.
Từ đó trở đi, tương tác của tôi trên facebook chỉ loanh quanh với việc thả icon “mặt cười”, “trái tim” hay “like” cho những gì mà bạn bè chia sẻ.
Chính vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội như “góc sân và khoảng trời” của mình, mà ở đó, chủ nhân muốn làm gì thì làm, có thể phát ngôn gây thù ghét, có thể đưa thông tin sai lệch.
Thậm chí, có những tài khoản, những nhóm được lập ra chỉ để soi mói, đả kích và lăng mạ người khác. Những tính năng như livestream (phát trực tiếp) được tận dụng để chửi bới, miệt thị, bôi nhọ nhau.
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực.
Khách quan mà nói, mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích cho ta trong việc kết nối, kinh doanh, làm việc, học tập. Với tính kết nối cao, mạng xã hội nới rộng không gian sống của mỗi người lên gấp nhiều lần; giúp những người cùng quan điểm tìm thấy nhau.
Nhưng ở chiều ngược lại, nó có thể gây thù ghét, kỳ thị, tổn thương, bất đồng và bất công. Nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thông tin trên mạng xã hội có thể tạo ra các khủng hoảng tâm lý, chia rẽ.
Vào bất cứ lúc nào, bất cứ ai, cả bạn và tôi, đều có thể bị bôi nhọ trên mạng xã hội, từ đó bị hiểu lầm, tẩy chay và thù ghét. Điều đó khiến chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy cảm xúc, dễ dẫn đến những phát ngôn tiêu cực, hành vi xấu giữa các cá nhân hoặc các nhóm. Không chỉ làm vẩn đục môi trường số, chúng có thể là tác nhân gây bất ổn cho xã hội thật.
Năm 2020, Microsoft công bố kết quả điều tra về Chỉ số văn minh trên không gian mạng. Theo đó, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát.
Tôi, với tư cách một người dùng mạng xã hội, và từng là “nạn nhân” của mạng xã hội, luôn mong muốn có một Bộ quy tắc được ban hành để tạo nên một khuôn khổ nhất định trong môi trường mạng, lọc bớt “rác”.
|
Nước ta đã có các văn bản luật và dưới luật liên quan đến các hành vi và ứng xử trên không gian mạng, như Luật An ninh mạng, Luật Dân sự, Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, trong đó bao gồm công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mà trong đó, các hành vi như đăng thông tin không hợp thuần phong mỹ tục, tin giả, tin xấu, xúc phạm và bịa đặt... đều có chế tài cụ thể.
Nhưng, như các chuyên gia đánh giá, với hiện tượng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tiêu cực, như vu khống, bôi nhọ cá nhân hay kích động ứng xử xấu, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng công cụ pháp luật. Bên cạnh xử phạt, cũng cần quan tâm giáo dục, hướng dẫn. Nên vẫn cần một bộ quy tắc để định hướng, kìm chế độ “hoang dã” trên mạng xã hội.
Vì thế, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là đáng hoan nghênh, dù nó còn mang tính khuyến nghị và không có tính chất ràng buộc.
Trở lại với những người nông dân “sành” mạng xã hội ở xóm tôi. Công là người đầu tiên nhắn tin “Em đọc tin trên báo. Và muốn biết chi tiết hơn để không vi phạm”. Sau đó là những người khác. Trong suy nghĩ đơn giản của mình, Công và những nông dân kia đánh đồng quy tắc với những chế tài được luật định, và lo ngại sẽ vi phạm, một khi nó được áp dụng.
Lẽ tất nhiên, tôi rất sẵn lòng gọi lại, giảng giải cho Công về nội dung Bộ quy tắc. Trong đó nhấn mạnh rằng, cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Công thở phào: Thật may, từ trước đến giờ, em chưa làm những điều ấy.
Với những quy tắc chung, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không có tính chất ràng buộc, nhưng giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử như thế nào trên môi trường mạng; hình thành những thói quen tốt; chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức trên môi trường mạng, từ đó tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Tất nhiên, cũng vì chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội. Mà cần có hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành; các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình…
Và điều cuối cùng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không thay thế các quy định của pháp luật. Một khi bạn vi phạm, luôn có những chế tài nghiêm khắc… chờ bạn!
Ngày 17/6, Bộ TT&TT có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn.Bên cạnh việc phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc khác cần áp dụng.
Hồng Lam