Đổi thay Tân Cảnh
Từng bị cày nát bởi bom đạn của chiến tranh, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của người dân nơi mảnh đất truyền thống cách mạng, Tân Cảnh hôm nay đổi thay mạnh mẽ…
Cách đây 45 năm về trước, vùng đất Tân Cảnh bị địch chiếm đóng và xây dựng thành khu căn cứ quân sự được chúng cho là “bất khả chiến bại”. Nhưng với tinh thần và lòng yêu nước nồng nàn, người Tân Cảnh nói riêng, huyện Đăk Tô nói chung đã cùng với nhân dân trong tỉnh kiên cường, anh dũng, không ngại hi sinh chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh chấn động vùng Tây Nguyên.
Sau khi được giải phóng, người Tân Cảnh bắt tay vào kiến thiết, xây dựng quê hương với bao khó khăn, gian khổ. Nhưng cũng chính trong khó khăn gian khổ ấy, người Tân Cảnh đã cho thấy họ kiên cường trong đấu tranh như thế nào thì cũng bản lĩnh như thế đó trong cuộc sống mới.
Sau 45 năm xây dựng và kiến thiết, người dân Tân Cảnh đã biến vùng đất bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá trở thành mảnh đất trù phù, tiềm năng bậc nhất của Đăk Tô hôm nay.
|
Đến Tân Cảnh hôm nay chúng ta có thể nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ. Những cánh rừng cao su, bời lời bạt ngàn, những đồi cà phê xanh mướt. Những quả đồi trước đây bị trơ trọi bởi chất độc hóa học, bởi chiến tranh tàn phá nay đã được thay thế bởi màu xanh của rừng cao su, rừng thông phủ kín. Những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì len lỏi khắp từng thôn, làng. Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp đồng bộ, điện được kéo về 100% thôn làng và hộ dân.
Sự đổi thay ấy được chính người dân Tân Cảnh góp sức xây đắp nên. Họ góp công, góp của xây dựng những con đường, xây dựng mái nhà rông, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó, người dân Tân Cảnh không ỷ lại, họ tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Vì vậy, đến nay, diện mạo nông thôn xã Tân Cảnh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên.
Sự đổi thay mạnh mẽ ấy, không những ở 5 thôn người Kinh mà tại 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều thay đổi. Người dân đã tích cực tham gia hiến đất, ngày công lao động và kinh phí để làm đường giao thông, xây dựng nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư, hoàn thiện các công trình phục vụ đời sống dân sinh, vì lợi ích của cộng đồng.
Già làng A Hon (thôn Đăk Ri Peng 2) phấn khởi: So với ngày xưa thì bây giờ khác nhiều, người dân phấn khởi lắm, mừng lắm. Ngày xưa làm không có máy móc, bây giờ có máy móc hết rồi, đường sá được đổ bê tông đi lại thuận tiện lắm. Cầu treo được Nhà nước xây dựng qua sông thuận lợi cho vận chuyển củ mì, hạt lúa. Đời sống được cải thiện nhiều!
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân Tân Cảnh đã đồng sức, đồng lòng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và đưa Tân Cảnh là xã đầu tiên của huyện Đăk Tô đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Ông A Ri Ben, ở làng Đăk Ri Peng tự hào: Trước đây, đa số dân trong làng ở nhà tranh vách nứa, gia đình đủ ăn ít hơn hộ đói. Nay thì nhà nào cũng trồng cà phê, cao su, rồi mì, lúa nước, chỉ chưa giàu thôi. Đường sá trước đây lầy lội, mùa mưa cái chân khó đi, nay thì đường bê tông từ làng trên đến làng dưới. Con cháu đến lớp, đến trường đầy đủ…
|
Phải nói rằng, sau 45 năm giải phóng, Tân Cảnh có sự đổi thay mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh cực. Cơ sở hạ tầng ở các khu dân cư được đầu tư xây dựng và nâng cấp đồng bộ, vệ sinh môi trường được đảm bảo, 100% thôn làng không có rác thải vứt bừa bãi, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt từ 30 – 33 triệu đồng/năm.
Bà Ngô Thị Sâm - Bí thư Đảng ủy xã Tân Cảnh cho biết thêm: Mặc dù chưa phải là xã giàu nhưng kinh tế - xã hội của Tân Cảnh hôm nay có sự phát triển đáng kể. Đảng ủy xã luôn tập trung lãnh đạo phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân khai thác lợi thế của địa phương để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm, an ninh chính trị được giữ vững. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, toàn xã có 4/5 trường đạt chuẩn; hàng năm có trên 90% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 8/8 thôn làng được công nhận thôn làng văn hóa và đặc biệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 6,3%...
Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, những ngày này, người dân Tân Cảnh đang sôi nổi thi đua lao động sản xuất chào mừng 45 năm giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh và đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Cùng với đó, Tân Cảnh đang tập trung các nguồn lực, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển…
Phúc Nguyên