Đổi thay ở vùng đất lửa
Sau 45 năm giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ thị trấn Đăk Tô, vùng đất lửa thị trấn Đăk Tô ngày ấy nay đã có những đổi thay kiên cường.
Sinh ra và lớn lên ở khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, đến nay cô Y Huệ đã 55 tuổi. Gần 20 năm, mỗi ngày, cô vẫn mở quầy hàng nước mía buôn bán nuôi sống gia đình ở đầu hè phố.
Cô cho biết, trước năm 1972, thị trấn Đăk Tô là chiến trường ác liệt. Những năm ấy, cô ở tận trong rừng già với bố mẹ để tránh bom đạn. Ngày giải phóng, bộ đội lái xe tăng, đi bộ đông lắm.
“Bộ đội vào giải phóng cho bà con. Nhiều người dân bị đói, bị khát ở rừng về được bộ đội chia cho từng miếng lương khô, từng ngụm nước… cảm động lắm!” - cô Huệ nhớ lại chuyện 45 năm trước ở Đăk Tô.
Cô Huệ còn nói, sau những ngày huyện Đăk Tô được cách mạng tiếp quản, những người trẻ như cô được đi học chữ. Người lớn cũng được vận động tham gia vệ sinh môi trường, làm công trình thủy lợi, tăng gia sản xuất tập thể… đã mang lại cuộc sống mới về khắp nơi.
|
Còn ông Trịnh Quang Vinh - người dân ở khối 7 (thị trấn Đăk Tô) từng là công nhân ở Thanh Hóa. Năm 1983, gia đình ông chuyển công tác vào Nông trường Quang Trung của huyện Đăk Tô.
Ông Vinh chia sẻ: Lúc ấy - hơn 10 năm sau giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Trước mặt căn nhà của ông sinh sống là chân cầu 42, xung quanh nơi này toàn là rừng và núi, nhà dân rất thưa thớt. Đường sá đi lại rất khó khăn. Nền đường đá dăm đã có từ lâu, nhưng toàn hố trâu, ổ voi. Đêm xuống, không có điện thắp sáng, chỉ một màu đen. Có hôm cọp ở rừng về tận rẫy sau nhà…
Thế rồi - ông Vinh kể - cứ đảng viên, cán bộ đi trước, làng nước theo sau, thôn 7 của chúng tôi, bà con đã nỗ lực khai hoang ruộng lúa nước, tăng gia sản xuất, trồng nhiều mì, bắp, mía, rau quả ở vườn để cải thiện cuộc sống. Đảng, Nhà nước còn quan tâm đầu tư đường giao thông, các công trình thủy lợi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… phục vụ nhân dân. Sau 36 năm về đây sinh sống, tôi nhận thấy nơi đây có nhiều đổi thay tích cực. Nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã mua đất ngoài đường lộ xây nhà tiền tỷ, ruộng lúa, rẫy cà phê, cao su bạt ngàn. Riêng gia đình tôi cũng khai hoang được gần 7ha đất nông nghiệp để trồng trọt, cuộc sống dần khấm khá hơn.
|
Ông Bùi Tiến Lý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô biết các phóng viên về các khu phố trước khi đến làm việc với Đảng ủy thị trấn đã vui vẻ hỏi: Nhân dân có ý kiến gì với lãnh đạo thị trấn không?
Nghe thế, chúng tôi đem thắc mắc bà con ở khu phố 7 về việc bà con đã thống nhất tự nguyện dỡ vật kiến trúc, hoa màu, di chuyển hàng rào để dành đất làm 2 tuyến đường giao thông dài 4,3km là Huỳnh Đăng Thơ – Hai Bà Trưng nhưng đến nay chưa thấy thực hiện.
Ông Lý phân trần, năm 2015, vận động bà con chưa đồng ý hết, tập thể lãnh đạo địa phương phải cho dừng, tiếp tục tuyên truyền và vận động bà con. Nay, nhân dân đã quyết theo hướng đề ra, sắp đến, đơn vị sẽ báo cáo cấp trên cho triển khai làm đường trong năm nay.
Nói đến sự chăm lo cho dân, cho sự phát triển chung của thị trấn, ông Lý khẳng định, Đảng ủy thị trấn luôn lấy phương thức lãnh đạo tập thể, dân chủ trong việc phân công cấp ủy, đảng viên uy tín về sinh hoạt, sâu sát ở từng khu dân cư, thôn để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, nghị quyết các cấp đã đề ra. Đặc biệt, ở các thôn, khu phố số đảng viên còn ít, cán bộ nguồn yếu về năng lực lãnh đạo, Đảng ủy liên tục giám sát, tạo điều kiện cho người trẻ, người DTTS tham gia bồi dưỡng, cử đi đào tạo chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, đã có 184 lượt cán bộ ở thị trấn được cử đi đào tạo.
Đối với cán bộ cấp thôn mới được bổ nhiệm, Đảng ủy luôn giao nhiệm vụ cho cấp ủy tăng cường giúp đỡ, động viên nhân tố mới hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, nếu có những vấn đề vướng mắc, hay khó khăn phải báo cáo kịp thời cho chi ủy, Đảng ủy thị trấn. Trong đó, những cá nhân luôn nỗ lực, xử lý công việc khoa học, sáng tạo, linh hoạt vì cái lợi chung và được bà con tín nhiệm luôn nhận được sự đánh giá cao của Đảng ủy. Những nhân tố tích cực này, được Thường trực Đảng ủy ghi nhận, bồi dưỡng và riêng giai đoạn 2010 – 2015 đã kết nạp 50 cá nhân điển hình khu phố, thôn vào Đảng.
Theo ông Lý, chính việc phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu của các đảng viên, các cán bộ trẻ có năng lực trong việc huy động sức dân đã góp phần phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, đạt nhiều thành quả đáng trân trọng. Trong 5 năm (2010-2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của thị trấn là 19%, đạt nghị quyết đề ra; thu ngân sách địa phương vượt gần 300%, với 11 tỷ đồng. Người dân thị trấn Đăk Tô mở rộng sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ với tổng số 1.035 cơ sở phục vụ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; kêu gọi 44 cơ sở kinh doanh đa ngành nghề vào cụm công nghiệp - dịch vụ 24/4; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu, tăng 25% so với nghị quyết đề ra và tính đến cuối năm 2016 đã đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 4,1% giảm xuống còn 3,7%.
Đi cùng đó, hệ thống giáo dục và cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe, các thiết chế văn hóa cơ sở cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm đảm bảo phục vụ cơ bản đời sống tinh thần đến các tầng lớp nhân dân. Đến nay, thị trấn Đăk Tô có 6 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ y, bác sĩ trực và thăm khám sức khỏe nhân dân ban đầu đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; gần 89% số hộ ở địa phương đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 12/12 khu phố, thôn được công nhận văn hóa.
Với những kết quả đáng khích lệ đó, Đảng ủy thị trấn nhiều năm liền được Huyện ủy Đăk Tô đánh giá cao về tinh thần đoàn kết nội bộ, là cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Bài, ảnh: Mai Trâm