Chăm lo nâng cao đời sống cho giáo viên
Ngay trong mùa tri ân những người thầy, người cô – người đưa đò, nâng đỡ, dìu dắt bao nhiêu thế hệ học trò đến bến bờ tri thức, thì câu chuyện về lương, về tình trạng giáo viên bỏ việc, rồi thiếu giáo viên nhưng khó tuyển mới lại được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết.
Dễ dàng nhận thấy rằng, đời sống của giáo viên nói chung và giáo viên trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn vô vàn khó khăn. Khó mà có thể kể hết những khó khăn của giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa quanh năm mây mù, sương phủ và heo hút gió: cùng với dạy phải đi kèm với “dỗ”, phải xuống các làng để vận động các em đến lớp; chăm lo cho các em từ chuyện học cho đến chuyện ăn, ở trong các lớp học bán trú. Trong khi đó, mức lương giáo viên được tiếng là cao nhưng ít có thêm các khoản phụ cấp khác. Thưởng tết, thưởng lễ là chuyện hiếm. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng không ít giáo viên tâm sự rằng cảm thấy chạnh lòng khi mỗi dịp năm hết, tết về, thông tin nơi này thưởng tết vài tháng lương, nơi kia thưởng tết vài chục đến cả trăm triệu đồng thì các thầy cô giáo may mắn lắm cũng chỉ cân đường, gói bánh. Đã vậy, chi phí đi lại nhiều, giá cả các mặt hàng thiết yếu ở vùng sâu, vùng xa luôn ở mức cao, gấp 2-3 lần so với vùng thuận lợi nên dù lương có nhỉnh hơn chút nhưng bù lại chẳng dư dả là bao.
Gánh nặng nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, một số giáo viên (đặc biệt ở vùng phố thị) sẵn có nghề trong tay mở lớp dạy thêm. Một số giáo viên khác không dạy thêm, nếu được, cũng tìm cho mình “nghề tay trái” như bán hàng online, buôn bán, còn nếu ở vùng nông thôn, thầy cô hết giờ ở trường lo thêm chuyện rẫy vườn.
|
Lương chỉ đủ sống, hàng loạt công việc phải đảm nhiệm thêm ngoài việc chính giảng dạy, lại thêm áp lực từ xã hội, áp lực lực từ phụ huynh đã là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên bỏ nghề. Con số thống kê được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ngay trong những ngày đầu năm học mới này là trong năm 2022 có hơn 16 nghìn/1,6 triệu giáo viên trên cả nước bỏ việc, tính bình quân cứ 100 giáo viên thì có 1 người nghỉ việc đã khiến cho những ai quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục đau đáu.
Đó là chuyện những người trong nghề, còn với các em học sinh đang trong lứa tuổi chọn nghề thì sao? Khi những giáo viên đến với nghề bằng tình yêu nghề, mến trẻ, dù rất tâm huyết cũng đành dứt áo ra đi đã khiến cho không ít em học sinh khi đứng trước dấu mốc quan trọng chọn ngành, chọn nghề so sánh. Vì cho đến nay, giáo viên chưa phải là nghề trong nhóm có thu nhập cao. Học sinh giỏi ít chọn nghề sư phạm, đó là một thực tế. Và, điều hiển nhiên là một khi khó thu hút được những học sinh giỏi, tất yếu sẽ ít có những sinh viên sư phạm giỏi, những người thầy giỏi.
Quay trở lại chuyện của các giáo viên. Cho đến nay, cuộc sống của người giáo viên nhìn chung vẫn chưa thể gọi là khá giả. Thế nhưng, chính những người có mức sống “trung bình” nhất ấy lại là những “bệ đỡ” cao nhất cho các giá trị văn hóa, đạo đức được vững bền và phát huy trong cuộc sống. Còn hơn nữa, ngoài phận sự chia sẻ vốn văn hóa, chữ nghĩa, những con người ấy còn sẵn sàng chia sẻ cả công sức, của cải vật chất vốn không nhiều của mình cho những thế hệ sau.
Thế nhưng, tình trạng lương thấp, áp lực công việc, giáo viên bỏ việc, khó tuyển giáo viên mới đã khiến cho tình trạng thiếu giáo viên không chỉ là chuyện riêng của tỉnh ta mà trên cả nước. Nhiều giải pháp đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm đảm bảo ổn định công tác dạy và học của năm học 2022-2023, một năm học mà việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả ba cấp học: lớp 1,2,3 (Tiểu học), lớp 6,7 (THCS) và lớp 10 (THPT) như: Cán bộ quản lý tham gia đứng lớp; sắp xếp, sáp nhập các điểm lẻ về điểm trường chính; phân công giáo viên dạy liên trường…
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tạm thời. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho người giáo viên sẽ được nhiều thế hệ. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện hiệu quả tiến trình đổi mới giáo dục. Trong đó, yếu tố đầu tiên và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay chính là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên đảm bảo giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với công tác tuyển mới, bồi dưỡng để nâng chuẩn, có những ưu đãi để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, thì vấn đề gốc rễ khác cần sớm quan tâm giải quyết chính là tăng lương và các khoản phụ cấp cho giáo viên. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mới đây thẳng thắn đề xuất, đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần “có thực thì đạo mới vực được”.
Nguyên Phúc