Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm
Trong những ngày cuối tháng 5/2015, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc nấm. Cụ thể, ngày 21/5, tại huyện Kon rẫy xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm; ngày 22/5, tại thôn Long Ry, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, có 2 người trong một gia đình chết vì ngộ độc nấm; ngày 27/5, xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm ở huyện Sa Thầy. Vụ việc xảy ra là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người cần chú ý và cảnh giác với nấm độc...
Tây Nguyên chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa đã làm cho mặt đất ẩm ướt, bầu không khí mát mẻ dễ chịu hơn giúp cho hệ sinh vật sinh sôi nẩy nở, trong đó các loại nấm cũng phát triển mạnh, tạo cho con người có thêm nguồn thức ăn dồi dào, đặt biệt là đồng bào DTTS, vốn rất thích sử dụng các loại nấm rừng để chế biến cho các bữa ăn chính trong gia đình, vì nấm rất ngon và có nhiều chất bổ dưỡng. Tuy nhiên, bà con cần cẩn trọng khi khai thác và sử dụng nấm mọc tự nhiên; chỉ sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được, loại bỏ ngay nấm lạ, tuyệt đối không ăn thử nấm để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trong tự nhiên, chủng loại nấm rất phong phú, nhưng số chủng loại có thể sử dụng ăn được và an toàn cho con người rất ít, chỉ có khoảng 30 - 40 loại; trong khi đó, nấm độc chiếm số lượng rất cao, có khoảng trên vài trăm loại.
|
Có những loại nấm độc nhìn rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm và trong quá trình chế biến lại đun nấu không kỹ, ăn vào có thể gây ngộ độc. Mặt khác, một số loại nấm vốn thuộc loại không độc nhưng nếu mọc ở nơi môi trường bị ô nhiễm hoặc tầng đất bên dưới có những khoáng chất độc hại như chì, phốt pho, thạch tín, thủy ngân… cũng sẽ nguy hiểm như nấm độc. Đặc biệt, nấm mọc ở những khu vực chiến sự trước đây đã hứng chịu nhiều bom, đạn, bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin thì lại càng nguy hiểm hơn.
Để không xảy ra những cái chết thương tâm, bà con ở vùng sâu, vùng xa cần phân biệt được nấm thường và nấm độc. Thông thường các loại nấm độc bao giờ trông cũng nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hoặc màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Nấm độc khi hái thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên; trong khi đó, nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi.
Bà con có thể áp dụng hai phương pháp thử nghiệm đơn giản sau đây:
Thử nghiệm biến màu: Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc và ngược lại, nếu hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc.
Thử nghiệm bằng sữa bò: Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.
Ngoài ra, khi sử dụng nấm để ăn cần lưu ý thêm: không hái những loại nấm mà mình chưa biết chắc là có độc hay không; mỗi lần nấu không nên nấu nhiều loại nấm lẫn lộn mà chỉ nấu một loại duy nhất để tránh lẫn nấm độc và tránh xảy ra phản ứng hóa học, không độc trở thành độc.
Trước khi xào nấu nấm, bà con nên luộc sôi trước sẽ làm giảm bớt độc tính của nấm. Khi mua nấm tại các cửa hàng, người bán rong hay ở chợ, nên chọn mua những loại nấm đã từng ăn. Khi ăn nấm không nên uống rượu. Có một số loại nấm dại tuy không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với thành phần trong rượu, vì vậy sẽ gây ngộ độc.
Sau khi ăn nấm, nếu thấy có biểu hiện khó chịu, đau bụng, buồn nôn, choáng váng… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời. Trong trường hợp nhà ở xa cơ sở y tế và tình trạng nguy kịch thì phải có các biện pháp sơ cứu đơn giản để gây nôn nhằm tống thức ăn ra khỏi dạ dày như ngoáy họng bằng lông gà, lấy tay móc họng, uống mùn thớt hoặc tìm những loại thuốc nam sẵn có ở địa phương để rửa ruột nhằm loại bỏ những thành phần độc hại trong nấm để giảm nhẹ mức độ ngộ độc, sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để tiếp tục điều trị…
Bác sĩ Hoàng Chí Trung