Cảnh báo mùa nước cạn
Cho dù đã có vài cơn mưa sớm, song từ cuối tháng 3, cao điểm mùa nước cạn, bọn trẻ trong làng lại được dịp tha hồ lội suối, bơi sông. Thỏa thuê đùa giỡn, nghịch ngợm... chẳng ngờ, bao rủi ro, tai ương đang rình rập...
Trưa tròn bóng. Trên dòng Đăk Bla, đoạn gần một khu dân cư khá đông đúc, mấy đám trẻ, mỗi nhóm 3-4 đứa thi nhau vùng vẫy trong làn nước xanh. Tiếng cười đùa vang dậy cả một vùng yên tĩnh. Đi vội dưới cái nắng gay gắt qua chiếc cầu treo nhỏ, người lớn dừng lại, lắc đầu…
Năm nào cũng vậy, theo chu kỳ của thời tiết, từ tháng 2, tháng 3 mùa nước cạn đến trước khi những cơn mưa mùa hối hả bắt đầu, là “mùa” suối, sông “lên tiếng”. Bản tính nghịch ngợm, ham chơi chính là sợi dây “đưa đường” cho con trẻ đến với những nơi nguồn nước dồi dào. Bơi lội, nô đùa…, có ai hay, đằng sau niềm vui nho nhỏ ấy, ngay cả với những đứa đã rành bơi chỉ sơ sẩy một chút, đã có thể không còn cơ hội mà hối tiếc. Với những đứa chưa hề “biết nước”, nguy cơ tiềm ẩn còn khó lường biết chừng nào...
|
Theo số liệu thống kê của ngành Lao động Thương binh và Xã hội cùng ngành Y tế tỉnh, từ năm 2013 đến năm 2016, tai nạn thương tích đã xảy ra với gần 5.700 trẻ em trên địa bàn tỉnh, khiến 136 em tử vong. Trong số trẻ tử vong, chiếm tỷ lệ cao nhất là trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, với 91 em.
Nhìn vào biểu đồ tai nạn thương tích trẻ em 4 năm gần đây, có thể nhận thấy, 2013 là năm đỉnh điểm của rủi ro và thiệt hại, với 44 trẻ em tử vong; trong đó, riêng đuối nước làm 35 em thiệt mạng. Năm 2016, tuy số trẻ bị tai nạn thương tích 1.340 em, đã giảm so với năm 2013 (1.586 em) và năm 2015 (1.490 em), song đáng kể, là số trẻ tử vong vì tai nạn (37 trường hợp) vẫn cao hơn năm 2015 (29 trường hợp), và năm 2014(26 trường hợp); trong đó, đuối nước cướp đi 22 em, cũng cao hơn so với năm 2014 (20 em) và năm 2015 (14 em).
Thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh không chỉ xảy ra ở nông thôn mà còn cả khu vực thành thị, không chỉ bởi sự bất cẩn nên rơi xuống hố nước, ao, cống…; mà còn do tắm sông, tắm suối. Nhiều sự ra đi thương tâm để lại nỗi xót đau, dày vò, ân hận cho những người ở lại; là lời cảnh báo, thức tỉnh cho bao gia đình, cộng đồng… Song đôi khi, ngay cả những cái chết nghẹn ngào dường như cũng chưa đủ để răn đe, đánh động nhận thức và hành vi, bởi sự chủ quan, lơ là, dễ dãi, tùy tiện…
Nằm trong chiến lược quốc gia và các kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp, ngành, địa phương, trọng tâm phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước cho trẻ em nói riêng luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm, tăng cường thực hiện. Kế hoạch 961/ KH- UBND (ngày 13/5/2016) của UBND tỉnh xác định mục tiêu tổng quát: Từng bước kiểm soát, hạn chế giảm tỷ lệ tử vong, tàn tật ở trẻ em do tai nạn thương tích gây ra, đặc biệt với các tai nạn có nguy cơ tử vong cao như đuối nước và tai nạn giao thông; tập trung vào những địa bàn thường xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh vào thực tiễn công tác của từng địa phương, đơn vị, nhiều chương trình hành động với những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực được xây dựng, tiến hành. Không chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền, nỗ lực tổ chức tốt sinh hoạt bán trú cho học sinh, thu hút các em vào nhiều hoạt động tập thể lành mạnh, bổ ích nhằm chủ động tránh xa nguy cơ ảnh hưởng tai nạn, thương tích là cách làm thiết thực, hiệu quả của nhiều trường học, cơ sở giáo dục. Gắn với các hoạt động đoàn thể và công tác xã hội sôi nổi, các mô hình rõ nét như xây dựng “Trường học an toàn” của ngành Giáo dục, “Cộng đồng an toàn” của ngành Y tế và phối hợp giữa ngành Lao động Thương binh và Xã hội với các ngành chức năng để xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”… đi vào thực tiễn, tạo động lực lan tỏa nhận thức và hành động đúng đắn; đẩy lùi những nếp quen bất lợi… trong đời sống gia đình, sinh hoạt cộng đồng.
Phòng, chống, ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn, thương tích đuối nước cho trẻ em - Nỗ lực và quyết tâm đã được khẳng định. Song, có lẽ, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, không ít giải pháp mang tính thực tế và khả năng phát huy hiệu quả cao, cho đến nay, vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Sợi dây gắn kết gia đình - nhà trường - cộng đồng, xem ra, vẫn rất cần được thắt chặt, vì sự an toàn của con em, trong những mùa nước cạn vốn mang sẵn lời cảnh báo không thể bỏ qua.
Thanh Như