Cần ưu tiên bổ sung giáo viên mầm non
Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT-Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thống kê của Sở GD&ĐT, hiện trên địa bàn tỉnh còn thiếu 553 giáo viên mầm non đứng lớp.
Cuối năm 2015, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, đánh giá công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
Trong kết luận kiểm tra, tất cả điều kiện đều đạt, duy nhất, công tác bố trí giáo viên đứng lớp giảng dạy vẫn chưa đạt quy định 2,2 người/lớp/2 buổi học/ngày và đề nghị tỉnh sớm bổ sung biên chế bậc mầm non.
|
Và theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT-Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thống kê của Sở GD&ĐT, hiện trên địa bàn tỉnh còn thiếu 553 giáo viên mầm non đứng lớp.
Cụ thể, cuối năm học vừa qua, toàn tỉnh có 2.416 người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc bậc mầm non. Trong đó, cán bộ quản lý giáo dục mầm non 318 người, giáo viên đứng lớp 2.098 người và số lượng giáo viên thuộc biên chế của nhà nước chiếm 74,8%.
Toàn tỉnh có 129 trường mầm non (so với năm 2011, tăng 21 trường), với hơn 580 điểm trường lẻ ở các thôn, làng. Tỷ lệ giáo viên ở nhà trẻ trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện đạt 1,56 người/nhóm; giáo viên mẫu giáo đạt 1,38 người/lớp và mẫu giáo 5 tuổi đạt 1,37 người/lớp.
Trong khi đó, Thông tư 06 quy định đối với nhóm trẻ, giáo viên phải được bố trí tối đa 2,5 người/lớp; trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày, được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp và lớp học 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.
Như vậy, hiện nay, toàn tỉnh chưa có trường mầm non nào được bố trí đủ giáo viên đạt các quy định trên. Trong khi đó, 61 xã và 50 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, nên nhiều trường mầm non buộc phải tăng điểm trường lẻ ở thôn, làng để tổ chức các lớp ghép 2-3 độ tuổi dành cho học sinh mầm non.
Qua báo cáo hàng năm của các phòng GD&ĐT, số lượng giáo viên mầm non thiếu cục bộ tập trung ở các khu vực trên; chưa kể giáo viên mầm non thực hiện giảng dạy ở các lớp ghép không có các chế độ hỗ trợ nào.
Tâm sự về khó khăn của các cô giáo mầm non, bà Vũ Thị Nếp – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) nói: Trường đã được bố trí 1,1 giáo viên/lớp và theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, còn thiếu 10 giáo viên. Hết thời gian học trên lớp, người thân đến đón các cháu ra về an toàn, bình yên, lúc này, chúng tôi mới bớt lo lắng các cháu bị té ngã, va vấp, hay đánh nhau trong lớp học.
Theo phản ánh của nhiều trường mầm non khác, khó khăn nhất ở các trường là phải dạy ở quá nhiều điểm lẻ. Gần như 100% số giáo viên mầm non đều là nữ có gia đình nơi khác đến công tác tại trường, khi thực hiện quy định dạy 2 buổi/ngày, các cô phải đi lại nhiều. Ở nơi có số lượng học sinh đông hơn 30 cháu/lớp/1giáo viên, các cô quán xuyến, chăm sóc, dạy dỗ các cháu rất vất vả.
Kon Tum đã được công nhận đạt chuẩn PCGD cho trẻ mầm non 5 tuổi và trong thời gian đến tiếp tục duy trì thành tích này. Hơn nữa, ngành GD&ĐT cũng cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhằm thực hiện yêu cầu về đổi mới giáo dục toàn diện, phấn đấu đến năm 2020, huy động được 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, thực hiện công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Trước việc thiếu 553 biên chế giáo viên mầm non, Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, bố trí biên chế cho sự nghiệp giáo dục nói chung, trong đó ưu tiên nguồn lực cho bậc học mầm non. Bước vào năm học mới 2016 – 2017, các phòng GD&ĐT báo cáo về Sở GD&ĐT không có biên chế tuyển mới giáo viên mầm non. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trẻ mầm non vẫn chịu nhiều thiệt thòi, khi thiếu đội ngũ giáo viên đảm bảo cho công tác chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ.
Trần Hà