Cẩn trọng phòng chống cháy nhà rông trong mùa hanh khô
Phần lớn nhà rông trên địa bàn tỉnh được làm bằng gỗ, tranh, tre, nứa… và chưa xây dựng được quy chế phòng cháy, chữa cháy cụ thể, nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng của mùa khô.
Trong các nhà rông, dân làng treo ảnh và tượng Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc và Quốc huy, Quốc hiệu để tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao của Đảng, Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc và treo nội quy, hương ước của làng để mọi người dễ dàng theo dõi, tiếp thu và thực hiện.
Nhà rông còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống của dân tộc thiểu số như các loại cồng, chiêng, trống, nhạc cụ dân tộc, các đầu con vật hiến sinh trong các ngày lễ hội, các loại vũ khí truyền thống….
Chính vì vậy, khi nhà rông bị cháy, lửa đã cướp đi tất cả các hiện vật truyền thống và lịch sử được trưng bày tại các nhà rông.
Có thể nói trong những năm qua, mặc dù ngành chức năng chưa thống kê đầy đủ các vụ cháy nhà rông trên địa bàn tỉnh, nhưng trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà rông ở các làng đồng bào DTTS.
|
Đơn cử như nhà rông văn hóa thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum có diện tích khoảng 250m2, cao gần 50 m bị cháy vào khoảng 20h ngày 21/3/2008 có thể là do giông sét đánh lửa.
Vụ cháy nhà rông Kon Klor tại thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum vào lúc 15h ngày 9/5/2010 là do các em thanh thiếu niên bất cẩn trong lúc dùng lửa.
Vụ cháy nhà rông làng Kon Rơ Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy có diện tích khoảng 150m2, cao gần 25m vào khoảng 12h ngày 7/12/2012 cũng chưa rõ nguyên nhân.
Vụ cháy nhà rông thôn 10, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà xảy ra vào khoảng tháng 3/2015 là do một nông dân trong làng bực tức chuyện gia đình, nên sau khi uống rượu say đã đi thẳng đến nhà rông quẹt lửa đốt.
Cá biệt, nhà rông làng Yang Kroong, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum bị cháy vào lúc 10h15 ngày 5/1/2016 là do một nhóm trẻ em vào nhà rông của làng chơi đùa và đã dùng bật lửa đốt thử...
Ngoài ra, còn có một số vụ cháy nhà rông đáng tiếc xảy ra tại nhà rông làng Plei Chor, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum; nhà rông làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; nhà rông làng Kon Zôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà; nhà rông làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi...
Nguyên nhân gây cháy nhà rông là rất nhiều, có thể là do sấm sét, bức xạ nhiệt mặt trời, chập điện, đốt rẫy… Tuy nhiên, phần lớn là do ý thức của người dân, trong đó hầu hết là do thanh thiếu niên ngủ ở nhà rông uống rượu say bất cẩn khi dùng lửa gây cháy, hoặc trẻ em không ý thức được việc dùng lửa khi đốt thử nhà rông gây nguy hại đến tài sản của dân làng…
Chính vì vậy, để phòng chống cháy nhà rông, đặc biệt trong thời điểm hiện nay nắng nóng, hanh khô vẫn còn kéo dài, người dân rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao ý thức hơn nữa trong việc dùng lửa mỗi khi đến nhà rông hội họp đông người.
Mỗi gia đình, trường học cần giáo dục con em của mình trong việc dùng lửa, tránh đốt lửa bừa bãi gây hậu quả khôn lường. Khi làm nhà rông bằng tranh, tre, nứa… thì hạn chế sử dụng kèm theo các loại vật liệu bằng kim loại, bởi vì trong quá trình nắng nóng, kim loại sẽ tạo nhiệt rất lớn và chỉ cần cọ xát mạnh do gió sẽ gây ra lửa cháy.
Bên cạnh đó, do nhà rông là nơi tụ họp đông người, nên trong quá trình mắc điện cần có độ an toàn cao và khi sử dụng điện cũng cần phải cẩn thận. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc thanh thiếu niên tổ chức uống rượu vào buổi tối tại nhà rông, vì khi hút thuốc trong lúc say xỉn sẽ không làm chủ được bản thân, và khi cháy xảy ra sẽ khó phát hiện, đồng thời công tác chữa cháy cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bài và ảnh: Nguyên Hà